Cứ mỗi mùa Xuân đến, kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930), ôn lại những mốc son lịch sử của Đảng, chúng ta lại nghĩ đến Bác Hồ, Người đã sáng lập ra Đảng vào giữa mùa Xuân năm 1930 và cho đến mùa Xuân cuối cùng của cuộc đời mình, Bác vẫn luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề xây dựng Đảng.
Không chỉ là tấm gương mẫu mực, Bác còn thường xuyên chỉ dẫn cho cán bộ, đảng viên phương hướng tu dưỡng, phấn đấu, ra sức ngăn ngừa, sửa chữa và khắc phục những khuyết điểm, sai lầm để xứng đáng là “hạt nhân lãnh đạo”, “người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân.
Bác chỉ rõ “một thứ vi trùng rất độc”
Năm 1927, trong bài giảng đầu tiên "Tư cách một người cách mệnh" cho các lớp huấn luyện cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã dành 2 điều (“vị công vong tư” và “ít lòng tham muốn về vật chất”) để người cán bộ cách mạng “tự mình phải” phòng, chống tư lợi, dục vọng cá nhân. “Tự mình phải” vừa là yêu cầu, vừa là mệnh lệnh, là những chỉ dẫn phải được thực hiện, quyết định tới "tư cách của người cách mệnh".
Như vậy, ngay từ rất sớm, Người đã tiên liệu được nguy cơ suy thoái của cán bộ, đảng viên, nhất là khi đã có quyền lực trong tay.
Để củng cố chính quyền cách mạng, nâng cao lòng tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền mới được thành lập sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trọng tâm vào việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, những công bộc của dân, gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” viết ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cần đề phòng cán bộ “hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”.
Tròn một tháng sau, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng” viết ngày 17/10/1945, Người chỉ ra 6 lỗi lầm chính của cán bộ là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.
Người còn liệt kê cụ thể những biểu hiện xa lạ của một số cán bộ có chức, trong khi nước nhà còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đó là: “Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”.
Hai năm sau khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đang ở những năm đầu vô cùng gay go, thiếu thốn, ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện một số căn bệnh của Đảng cầm quyền mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tổn hại lớn cho Đảng. Và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời năm 1947.
Đây là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp trình bày một cách hệ thống tư tưởng đổi mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Cũng là lần đầu tiên, chủ nghĩa cá nhân được Người chỉ rõ là “một thứ vi trùng rất độc”. Sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân không phải ở chỗ nó mang gươm mang súng mà vì nó nằm ngay trong các tổ chức, trong mỗi con người.
Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai
Khẳng định “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ và đảng viên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh tính nghiêm minh trong kỷ luật đảng.
Các cán bộ ngành Ngoại giao vẫn nhắc nhở về một câu chuyện đã trở thành bài học Bác dạy về tính kỷ luật nghiêm minh: Một vụ trưởng, cán bộ lâu năm đã được quyết định giữ chức đại sứ tại một nước ở Đông Âu. Trước ngày lên đường đi trình Quốc thư, Bác nhận được báo cáo về việc cán bộ này đã tổ chức một bữa tiệc "khao" linh đình.
Sau khi xác minh sự việc đó là đúng, Bác xót xa, rất buồn và quyết định đình chỉ công tác đại sứ của cán bộ này. Bác phê bình kiểm điểm để làm gương cho mọi người. Bác nói: "Kỷ luật phải nghiêm với bất kỳ ai!"…
Cho đến bản Di chúc để lại lúc đi xa, Bác vẫn không quên căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Cùng với việc nêu cao vai trò của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên vai trò quan trọng của pháp luật. Như trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”.
Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 142 quy định những hình phạt tội đưa và nhận hối lộ hoặc biển thủ công quỹ.
Ngày 27/11/1946, Người ký Sắc lệnh số 223 ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng. Ngày 26/1/1946, Người ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình.
Khi cán bộ vi phạm kỷ luật, tha hóa biến chất, cho dù ở vị trí công tác nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng kiên quyết xử lý.
Mùa thu năm 1950, tại thị xã Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quyết định xử lý nghiêm một vụ án đặc biệt: Nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và 2 đồng phạm “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”.
Việc Bác Hồ kiên quyết bác đơn xin ân xá tử hình của Trần Dụ Châu nói lên sự nghiêm khắc của Bác đối với vi phạm kỷ luật Đảng, kỷ luật quân đội, xâm phạm tài sản nhà nước và tiêu chuẩn của chiến sĩ. Bác còn chỉ thị phải tường thuật trên báo Cứu Quốc và Đài Tiếng nói Việt Nam đầy đủ, tỉ mỉ về vụ án này.
Làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân
Vụ án Trần Dụ Châu là bài học không chỉ cho ngày hôm qua. Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay, cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ từ của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân.
Có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vì tham vọng quyền lực, ham muốn vật chất mà đánh mất lòng chính trực, sự liêm khiết của bản thân, gây ra không ít sai phạm trong các cơ quan công quyền. Không ít cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự, làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân giảm sút niềm tin vào Đảng, Nhà nước; làm suy giảm danh dự, uy tín của hệ thống chính trị nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng. Kể từ Hội nghị Trung ương 4 khóa 11 với việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đến nay, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm và ý chí chưa từng có trong việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đặc biệt là tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm không khoan nhượng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.
Việc phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, nhưng đó là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong bài viết nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.