Lọc gió động cơ tưởng chừng là một bộ phận đơn giản, ít được người sử dụng ô tô quan tâm nhưng chính bộ phận này giúp đảm bảo nguồn không khí sạch lưu thông vào buồng đốt động cơ. Việc không khí sạch, không chứa bụi bẩn đi vào buồng đốt động cơ sẽ giúp quá trình đốt nhiên liệu diễn ra hiệu quả và giúp động cơ hoạt động với hiệu suất tốt nhất.

Dưới đây là một số tác hại nghiêm trọng vì không thay lọc gió động cơ theo định kỳ:

Giảm công suất động cơ

Khi lọc gió bị bẩn, khả năng lọc không khí bị giảm sút nghiêm trọng. Bụi bẩn và các hạt nhỏ bị mắc kẹt trong lọc gió sẽ làm cản trở luồng không khí đi vào động cơ. Điều này dẫn đến một lượng không khí ít hơn được cung cấp cho buồng đốt, làm cho quá trình đốt cháy nhiên liệu không hoàn toàn.

giam cong suat dong co bmw.jpeg
Công suất động cơ sẽ bị giảm nếu lọc gió quá bẩn. Ảnh: BMW

Kết quả là công suất động cơ bị giảm, xe hoạt động kém hiệu quả hơn, đặc biệt là khi cần tăng tốc hoặc leo dốc. Người lái xe có thể cảm nhận rõ động cơ hoạt động ì ạch, đôi khi phải tác động thêm lực vào chân ga để giúp xe đi nhanh hơn.

Tiêu hao nhiên liệu đáng kể

Việc không thay lọc gió động cơ định kỳ dẫn đến xe tiêu tốn nhiên liệu hơn do giảm lưu lượng không khí vào động cơ, làm quá trình đốt cháy không hiệu quả. Khi màng lọc bị tắc nghẽn bởi bụi bẩn, lượng không khí đi vào buồng đốt giảm, buộc động cơ phải tăng lượng nhiên liệu để bù đắp. Điều này khiến động cơ làm việc "cật lực" hơn, tăng áp lực và tải trọng, dẫn đến tiêu tốn nhiều nhiên liệu.

do xang o to toyota.jpeg
Lọc gió động cơ bẩn là nguyên nhân khiến xe hao nhiên liệu bất thường. Ảnh: Toyota VN

Hệ thống điều khiển nhiên liệu cũng phải bơm thêm nhiên liệu để duy trì hiệu suất, làm tăng lượng khí thải độc hại như CO, NOx và hydrocarbon. Để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ động cơ, cần thay lọc gió định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Ảnh hưởng chất lượng dầu bôi trơn và độ bền động cơ

Khi lọc gió động cơ lọc không khí không hiệu quả, bụi và các hạt bẩn có thể xâm nhập vào bên trong động cơ, gây mài mòn các bề mặt kim loại và chi tiết chuyển động. Bụi bẩn cũng làm giảm chất lượng dầu bôi trơn, khiến khả năng bôi trơn và làm mát các chi tiết bên trong động cơ giảm, tăng tốc độ hao mòn và gây hỏng hóc sớm. 

kinh nghiem thay dau nhot o to 1.jpeg
Chất lượng dầu động cơ sẽ giảm sút nếu lọc gió có nhiều bụi bẩn. Ảnh: Motul

Hơn nữa, bụi bẩn có thể tạo ra mảng bám và cặn bẩn bên trong các bộ phận động cơ, làm cản trở luồng dầu bôi trơn và gây bôi trơn không đồng đều. Điều này làm tăng nguy cơ hỏng hóc cho các chi tiết quan trọng. Nếu không thay lọc gió kịp thời, tình trạng tắc nghẽn có thể trở nên nghiêm trọng, gây biến dạng màng lọc và hỏng các bộ phận khác của hệ thống lọc.

Để bảo vệ động cơ và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, chủ xe cần thường xuyên kiểm tra và thay thế lọc gió theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Xe chạy không tải thiếu ổn định

Lọc gió bị tắc sẽ làm giảm lượng không khí vào động cơ, ảnh hưởng đến sự ổn định của tốc độ không tải. Điều này có thể làm cho động cơ hoạt động không ổn định, gây ra hiện tượng giật cục, rung lắc và thậm chí là tắt máy đột ngột khi xe đang chạy hoặc khi dừng đèn đỏ. Những dấu hiệu này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn khi lái xe.

Nhận định chung

Theo khuyến cáo từ các nhà sản xuất ô tô, người dùng nên vệ sinh lọc gió động cơ định kỳ sau mỗi 5.000 km và tiến hành thay mới lọc gió khi xe đi được khoảng 20.000 km. Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng xe trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn thì thời gian vệ sinh có thể rút ngắn xuống từ 3.500-4.000 km/lần và tiến hành thay mới khi xe được khoảng 15.000 km.

loc gio dong co.jpeg
Lọc gió động cơ quá bẩn do không được vệ sinh. Ảnh: Carparts

Chia sẻ với PV VietNamNet, anh Nguyễn Tiến Danh (kỹ thuật viên ô tô tại TP.HCM) nói rằng: "Vô số lần tôi làm bảo dưỡng định kỳ cho ô tô và gặp trường hợp chủ xe không vệ sinh hoặc thay lọc gió động cơ dù đã đi 30.000-40.000 km. Đặc điểm chung của những xe này là hao xăng bất thường, động cơ ì ạch, yếu rõ rệt khi cần tăng tốc và có hiện tượng hụt hơi".

Anh Danh cũng khuyên người sử dụng ô tô, nên chú ý đến việc kiểm tra và thay thế lọc gió định kỳ để đảm bảo xe luôn hoạt động ở trạng thái tốt nhất, bảo vệ động cơ và giảm thiểu chi phí vận hành cũng như chi phí sửa chữa.

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn

Mẹo tiết kiệm tiền khi thay bộ lọc gió trên ô tôTất cả các phương tiện đều yêu cầu vật liệu tiêu hao như dầu, chất làm mát, dầu phanh và bộ lọc để hoạt động chính xác. Tuy nhiên, một trong những bộ phận hay bị bỏ quên nhất trên xe chạy xăng chính là bộ lọc gió, đặc biệt là bộ lọc động cơ và cabin.