Vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam

Với con số khoảng 3 triệu tấn chất thải nhựa (CTN) hàng năm, Việt Nam được coi là một trong những nước chính gây ô nhiễm đại dương trên thế giới, ước tính khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn nhựa hàng năm rò rỉ ra các vùng ven biển.

Rác thải nhựa đe dọa tới sự sống của các sinh vật biển, giảm độ che phủ rừng ngập mặn, gây ra lũ lụt lớn hơn ở các cộng đồng ven biển, các bệnh lây truyền qua đường nước và cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với các gia đình phụ thuộc vào nghề cá và du lịch.

taicherac2.jpg
Rác thải nhựa xuất hiện ở mọi nơi.

Cam kết và mục tiêu giảm thải ô nhiễm nhựa tại Việt Nam

Với những con số đang ở mức báo động như trên, Việt Nam đã và đang đưa ra các giải pháp, cam kết và giải quyết ô nhiễm CTN, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh, các-bon thấp, tiếp cận theo xu hướng tuần hoàn trong quản lý CTN. Nghị quyết số 36-NQ/TW (22/10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm biển và rác thải nhựa. Quyết định số 1746/QĐ-TTg (04/12/2019) ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025, 75% vào năm 2030, và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030. Luật Bảo vệ môi trường (10/1/2022) thúc đẩy phân loại chất thải và trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR),  thực hiện trách nhiệm tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu, chính sách EPR về bao bì đã có hiệu lực từ 01/01/2024.

Con số khả thi thu được từ Luật Bảo vệ môi trường

Trong hơn 3 năm kể từ khi Luật bảo vệ môi trường 2020 được thông qua, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp và sự quan tâm của cộng đồng vào hoạt động thu gom, tái chế, giảm thiểu bao bì khó phân hủy. Mạng lưới thu gom, tái chế và phong trào tái sử dụng bao bì đã phát triển với các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu làm nòng cốt. Năm 2019, đánh dấu sự ra đời của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) với xuất phát điểm là 9 thành viên bao gồm các công ty FDI và Việt Nam hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ và nhập khẩp, ngày nay con số này đã tăng lên 26 thành viên.  

Các doanh nghiệp này đã và sẽ ký kết hợp tác với các nhà tái chế để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ví dụ, Suntory PepsiCo Việt Nam và DUYTAN Recycling ký Biên bản hợp tác chiến lược cung cấp nhựa tái sinh cho bao bì giai đoạn 2022-2026. La Vie và DUYTAN Recycling ký kết hợp tác thu gom và tái chế 11.000 tấn CTN trong 5 năm, áp dụng cho các sản phẩm chai La Vie từ dung tích nhỏ đến sản phẩm dung tích 19L. Unilever Việt Nam cũng hợp tác với VietCycle và DUYTAN Recycling để thúc đẩy tuần hoàn nhựa.

Ngoài ra, một số nhà tái chế trong nước cũng đã và sẽ hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Vietcycle và Tập đoàn ALBA châu Á đã ký kết xây dựng nhà máy tái chế trị giá 50 triệu USD với công suất 48.000 tấn/năm, sử dụng công nghệ Đức để sản xuất nhựa rPET đạt chuẩn quốc tế. Đây là nhà máy tái chế nhựa lớn nhất miền Bắc và đầu tiên sản xuất nhựa đựng thực phẩm.

Yếu tố giá trị xã hội tích cực từ hoạt động tái chế

Hoạt động tái chế cũng mang lại nhiều giá trị xã hội tích cực, như tạo việc làm với vốn đầu tư thấp và nguồn nhân lực không cần kỹ thuật cao. Ước tính tại Tp. Hồ Chí Minh, hơn 1.500 cửa hàng thu mua phế liệu tạo việc làm cho hơn 15.000 người và hơn 7.000 người thu gom phế liệu, với thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/ngày. Trang bị của những người thu gom phế liệu này rất đơn giản: 01 chiếc xe đạp với vài túi nhựa (50 - 100L) hoặc xe ba bánh đẩy tay.

Chính sách EPR ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống thu gom, phân loại và tái chế chất thải, đặc biệt là khu vực phi chính thức với 90% lao động nữ, giúp thu gom hơn 30% rác nhựa tái chế và giảm gánh nặng tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức (UNDP). Để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện các kế hoạch quốc gia, cần hỗ trợ lực lượng lao động phi chính thức cải thiện sinh kế và chuyển dịch sang hệ thống quản lý chất thải chính thức, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm và lắng nghe từ cộng đồng, góp phần vào văn minh và công bằng cộng đồng.