Trước thực trạng tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm, gồm: 550 nghìn tấn nylon, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm, ông Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống.

Theo đó, các giải pháp này phải huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Qua đó, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

W-racthai.png
Trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm.

Năm ngoái, tại hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chương trình phát triển liên hiệp quốc (UNDP) Việt Nam, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã giới thiệu một số các giải pháp thiết thực và hiệu quả đã và đang triển khai tại nhiều địa phương, giúp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), thuộc Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” được tài trợ bởi UNDP Việt Nam và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam.

Cụ thể, hoạt động gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu giúp tận dụng lực lượng ngư dân thành thành viên trong tổ thu gom rác trên biển, giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi, đem lại thu nhập cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho nguồn chất thải có thể tái chế.

Hay như Quảng Ninh cũng đang áp dụng mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN. Hoạt động này hướng tới việc thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường...

Để giảm thiểu chất thải nhựa ra ngoài môi trường, tỉnh Thái Bình đã thực hiện và nhân rộng Mô hình “Cánh đồng sạch - thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn với tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thí điểm Mô hình quản lý chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích 10,25ha trồng lúa, khoai lang, ớt... tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020-2030 và kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh ưu tiên xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa trong nông nghiệp, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa của ngành.

Nhóm PV