Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” là tác phẩm mà họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội) dành trọn tâm huyết để viết về sự nghiệp của cha mình - cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” vừa ra mắt công chúng. 

Với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, cuốn sách sẽ giúp độc giả khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố hoạ sỹ Trịnh Hữu Ngọc thông qua những chủ đề gồm: Cuộc đời và sự nghiệp (Tuổi thơ, Lập thân, Học nghề, Cách mạng và Chiến tranh, Cuộc đời mới…); Di sản đặc biệt (Tác phẩm từ thời sinh viên, Đồ gỗ Mémo, Tác phẩm minh họa, Tranh sơn ta, Từ Ấn tượng đến Thiền họa…); Bình luận, tưởng niệm (Cảm tưởng, Một số trích đoạn báo chí, Thư gửi thầy giáo…).

Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác. Sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng phục vụ đời sống của người dân Việt. Ông đã gặt hái được nhiều thành công với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, báo Tri Tân... 

Đặc biệt, cách thực hành Thiền Họa - "mắt nhìn tay vẽ" của Trịnh Hữu Ngọc được thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này. Trịnh Hữu Ngọc tư duy hội họa theo cách nhìn hiện thực thiên về ấn tượng tình cảm, học hỏi nhiều từ bút pháp và phong cách của những thầy cô mà ông kính trọng như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé. Ông rất xứng đáng với danh hiệu "Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương".

Họa sĩ – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế. 

Đánh giá cao ý nghĩa của cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương”, họa sĩ – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế kể: “Năm 1988, mới 18 tuổi, tôi lần đầu tiên xem tác phẩm của Trịnh Hữu Ngọc. Lúc đó tôi mới chỉ biết ở góc độ họa sĩ của ông. Sau này, khi đọc một cuốn sách xuất bản cách đây vài năm và bây giờ đọc cuốn sách của tác giả Trịnh Lữ về con người và sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc, thì tôi mới thấy được hết tầm vóc của ông”.

Họa sĩ – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đặc biệt đề cao khái niệm “phong cách mỹ thuật Đông Dương” (kết hợp tinh hoa của trường phái Á Đông với cái hiện đại của phương Tây) khi nhắc tới những dấu ấn mà Trịnh Hữu Ngọc đã tạo ra, không chỉ trong hội họa mà gồm cả nhiều lĩnh vực khác như thời trang, nội thất…,.

“Khi đặt họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc vào bối cảnh công nghiệp sáng tạo hôm nay thì mới đánh giá hết công lao và ý nghĩa thời đại của ông. Tôi đánh giá đây là một "Di sản đặc biệt" về cả vật chất và tinh thần. Thời gian qua đi sẽ càng thấy rõ hơn tầm vóc, tư tưởng của Trịnh Hữu Ngọc. Nếu nhìn nhận Trịnh Hữu Ngọc với vai trò một nhà văn hóa thì sẽ thấy đóng góp của ông lớn hơn rất nhiều so với việc đánh giá, nhìn nhận những công việc, sản phẩm cụ thể”, ông Thế nhấn mạnh.

“Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi một nhà nghiên cứu Nhật Bản đánh giá 4 họa sĩ nổi tiếng Việt Nam thế kỷ 20 gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường và Trịnh Hữu Ngọc. Giữa Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Cát Tường có điểm tương đồng là vốn học về hội họa nhưng lại gắn bó với cả thời trang, nội thất…; mang “làn gió mới”, tạo sự chấn hưng về ăn ở, sinh hoạt cho người Việt. Đánh giá vai trò của Trịnh Hữu Ngọc thì phải nhìn ông ở phương diện một người thực hành văn hóa, thực hành đạo mới trong nghệ thuật, đưa đạo gắn với cuộc sống. Cần lưu ý, đời sống văn hóa, vật chất của người Việt qua con mắt của người nước ngoài khá sơ sài, tuềnh toàng, có phần lạc hậu. Rõ ràng, thế hệ của Trịnh Hữu Ngọc, ngoài đóng góp nghệ thuật còn có đóng góp rất lớn là tạo ra phong cách sống mới”, ông Thế chia sẻ thêm.

Tác giả Trịnh Lữ. 

Nhắc tới cha mình, tác giả Trịnh Lữ bày tỏ sự trân trọng đối với một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.

“Trịnh Hữu Ngọc không vẽ những nhân vật long trọng hay là những người nổi tiếng, mà chỉ vẽ những người bình thường ở ngoài phố, ngoài đường. Cuộc sống bình dị chính là chủ đề nghệ thuật của cụ. Cụ là một người nghệ sĩ rất độc lập, đàng hoàng, là con người tự do, không phụ thuộc vào ai cả, làm mọi việc để phục vụ cuộc sống, làm đẹp cuộc sống, hướng mọi người đến cái thiện, cái đẹp ở xung quanh mình. Phối hợp thực hiện cuốn sách này đối với tôi là những ngày lao động cực kỳ hạnh phúc”, tác giả Trịnh Lữ bày tỏ.

Phạm Bình Minh, Đỗ Thị Thúy Nga, Nguyễn Thị Ngọc Trang