Lợi thế lớn về tài nguyên biển

“Quảng Nam là tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên biển (bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa biển), thuận lợi để khai thác phục vụ phát triển loại hình du lịch biển”, Thạc sĩ Lê Đức Thọ, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, nhận định.

anh bai 7.jpg
Quảng Nam là tỉnh có lợi thế lớn về tài nguyên biển.

Ông Thọ dẫn chứng cụ thể: Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển đẹp (như Thống Nhất, Hà My, Cửa Đại, An Bàng, Bình Minh, Tam Thanh, Bãi Rạng...), 125km đường bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi, 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6.000 ha mặt nước, khoảng 11.000 ha rừng xung quanh khu vực hồ và 40 đảo trong các hồ). 

Đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của cư dân ven biển Quảng Nam cũng vô cùng đặc sặc. Nhân dân miền biển và hải đảo trong quá trình lao động sản xuất, đánh bắt hải sản đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần đặc trưng văn hóa Quảng Nam như: hô bài chòi, Lễ tế cá Ông, lễ hội cầu ngư đầu năm…

Đặc biệt, đảo Cù Lao Chàm – một khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, đã tạo cho Quảng Nam nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển đảo, tạo ra sự đa dạng của các loại hình du lịch phù hợp với từng đối tượng khách hàng. 

Ngoài ra, Quảng Nam còn có hệ thống công trình đá xếp nằm dọc theo các sườn núi và hơn 20 công trình kiến trúc cổ gồm đình, lăng miếu, chùa, giếng cổ của người Chăm, người Việt…

Thời gian qua, tận dụng những lợi thế về tài nguyên biển, Quảng Nam đã và đang nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đưa loại hình du lịch biển, đảo tỉnh Quảng Nam trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch Việt Nam nói chung và du lịch khu vực miền Trung Tây Nguyên nói riêng. 

Với những nỗ lực của tỉnh Quảng Nam trong việc tận dụng tài nguyên văn hóa biển để phát triển du lịch, trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Quảng Nam ngày càng tăng. Doanh thu từ các hoạt động du lịch đã đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Giữ tài nguyên biển hướng đến sự phát triển bền vững

Có thể nói, phát triển du lịch dựa vào tài nguyên văn hóa biển có ý nghĩa quan trọng, giúp Quảng Nam hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững, nâng cao đời sống người dân, giúp họ tự tin hơn về nghề truyền thống, giúp con cháu thế hệ sau giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa do các bậc tiền nhân để lại. 

Thế nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được, Thạc sĩ Lê Đức Thọ cũng lưu ý, mặc dù tài nguyên du lịch biển đảo Quảng Nam là rất lớn, nhưng tình hình khai thác tài nguyên biển đảo chưa tương xứng với tiềm năng do chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức của các ban ngành và chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, tài nguyên biển Quảng Nam đang ngày càng bị thu hẹp do hiện tượng sóng biển xâm thực nghiêm trọng. Hàng năm Quảng Nam là khu vực phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai. Nguồn tài nguyên du lịch bị sóng biển bào mòn mỗi ngày gây sạt lở bờ biển, biến dạng bãi tắm, nguy hiểm hơn là nhiều bãi biển đẹp đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, ví dụ ở biển Hội An và Cù Lao Chàm, có thể dẫn đến giảm sút sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Đây là một trong những thách thức lớn đối với ngành du lịch Quảng Nam nói chung và phát triển du lịch biển đảo ở Quảng Nam nói riêng. 

Mặt khác, từ bao đời nay, phong tục tập quán của ngư dân đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng cho miền biển Quảng Nam, song những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế vùng ven biển, sức ép lớn từ hạ tầng du lịch, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, không gian văn hóa làng biển thu hẹp dần. Có thể nói, văn hóa vùng biển Quảng Nam đang ngày càng chịu sức ép nặng nề về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và các lợi ích khác. 

Được biết, định hướng phát triển thời gian tới của tỉnh Quảng Nam là sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo trên cơ sở bảo tồn, phát huy tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa vùng biển, đảo của tỉnh gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

“Trong thời gian tới, Quảng Nam cần khai thác hiệu quả tiềm năng không gian văn hóa biển đảo để xây dựng chuỗi các sản phẩm du lịch biển đảo có chất lượng cao. Điều mang tính quyết định đến sự thành công trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch biển đảo tỉnh Quảng Nam là phải xử lý một cách khoa học, bền vững và thân thiện với môi trường để giữ tài nguyên biển hướng đến sự phát triển bền vững. Đây là thách thức không nhỏ của tỉnh Quảng Nam trong hiện tại và tương lai”, Thạc sẽ Lê Đức Thọ khuyến nghị.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV