Mức trần học phí của các trường đại học công lập hiện nay được quy định tại Nghị định 86 năm 2015. Còn theo dự thảo Nghị định tự chủ đại học đang trình chính phủ, có phương án các trường sẽ được tự quyết định mức học phí.
Thông tin học phí các trường đại học công lập sẽ tăng lên mức 20,5-50,5 triệu/năm gây xôn xao dư luận vài ngày qua. Thực hư thông tin này ra sao?
Mức trần học phí năm hoc 2020-2021 là từ 20,5-50,5 triệu/năm
Hiện tại, mức thu học phí của các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo Nghị định 86. Đây là văn bản ban hành năm 2015 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ tợ chi phí học tập từ năm học 2015-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực từ năm 1/12/2015.
Đối với giáo dục ĐH, Nghị định 86 quy định mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo của các trường theo lộ trình từ năm học 2015-2016.
Trong đó chia ra 2 loại: 1. Các trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (bao gồm cả các trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm tự chủ). 2. Các trường chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (các trường chưa tự chủ - PV).
Ở mỗi loại lại áp dụng theo từng khối ngành, chuyên ngành đào tạo khác nhau, gồm: 1. Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản. 2. Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao; khách sạn, du lịch. 3. Khối y dược.
Mức trần học phí đối với các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư theo Khoản 1, Điều 5 Nghị định 86. |
Cụ thể, với loại trường tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, mức trần học phí của khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản sẽ có mức 1,75 triệu/tháng/sinh viên trong 3 năm học 2015-2016 đến 2017-2018.
Mức trần này sẽ tăng lên 1,85 triệu/tháng/sinh viên trong 2 năm tiếp theo (năm học 2018-2019 và 2019-2020).
Đến năm học 2020-2021, mức học phí của khối ngành này sẽ tăng lên 2,05 triệu/tháng/sinh viên (khoảng 20,5 triệu/năm/sinh viên).
Đối với khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức học phí cao hơn.
Cụ thể, năm học 2015-2015 đến 2016-2017, mức học phí sẽ là 2,05 triệu/tháng/sinh viên. Tới năm học 2020-2021, mức học phí sẽ là 2,4 triệu/tháng/sinh viên (tương đương 24 triệu/năm/sinh viên).
Khối ngành Y dược có mức trần học phí cao nhất. Theo đó, từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018, mức học phí là 4,4 triệu/tháng/sinh viên (tương đương 44 triêu/năm/sinh viên).
Đến năm học 2020-2021, mức trần học phí của khối này sẽ tăng lên 5,05 triệu/tháng/sinh viên (tương đương 50,5 triệu/năm/sinh viên).
Mức trần học phí của các trường chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư mức trần học phí thấp hơn.
Mức trần học phí đối với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư tại Khoản 2, Điều 5, Nghị định 86. |
Cụ thể, với khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản, mức trần học phí sẽ là 610 ngàn đồng/tháng/sinh viên vào năm học 2015-2016 và sẽ tăng lên thành 980 ngàn đồng/tháng/sinh viên.
Với khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch, mức trần học phí là 720 ngàn đồng/tháng/sinh viên. Tới năm 2020-2021, mức trần học phí được quy định là 1,17 triệu/tháng/sinh viên (khoảng 11,7 triệu/năm/sinh viên).
Với khối ngành Y dược, mức trần học phí năm 2015-2016 là 880 ngàn đồng/tháng/sinh viên. Đến năm học 2020-2021, mức trần học phí được quy định là 1,43 triệu/tháng/sinh viên (khoảng 14,3 triệu/năm/sinh viên).
Tuy nhiên, đây chỉ là các mức trần (cao nhất). Mức thu học phí cụ thể sẽ được quy định mức học phí cụ thể cho từng năm học, miễn sao không vượt mức trần đã được quy định.
Như vậy, nếu thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ thì tới năm học 2020-2021, mức học phí của các trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ), bao gồm cả các trường được Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới cơ chế hoạt động (thí điểm tự chủ) sẽ có mức trần học phí từ 20,5-50,5 triệu/năm, tùy ngành.
Với những trường chưa tự chủ về tài chính, mức học phí từ từ 9,8-14,3 triệu/năm.
4 loại hình tự chủ tài chính
Vào tháng 9/2016, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định tự chủ đại học. Chính phủ cũng đã công bố dự thảo này để lấy ý kiến. Cho đến nay, đây là dự thảo duy nhất được công bố chính thức.
Tại các Điều từ 11 đến 13 của dự thảo lần thứ nhất này, các trường ĐH sẽ phân thành 4 loại hình về tự chủ tài chính và mỗi loại hình khác nhau thì có quy định khác nhau về học phí.
Cụ thể, 4 loại hình trường đại học tự chủ về tài chính bao gồm: 1. Trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. 2. Trường tự đảm bảo chi thường xuyên. 3. Trường tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. 4. Trường do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Dự thảo cũng quy định, đối với trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, mức thu học phí sẽ do trường tự quyết định theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Quy định mức học phí đối với loại hình trường tự đảm bảo chi thường xuyên theo dự thảo Nghị định tự chủ ĐH lần 1, 9/2016. |
Đối với loại tự đảm bảo chi thường xuyên, mức học phí sẽ thực hiện theo mức học phí quy định cho năm học 2020-2021 tại khoản 1, điều 5 Nghị định 86. Nghĩa là, mức học phí của loại hình này sẽ từ 2,05 - 5,05 triệu/tháng/sinh viên, tùy ngành.
Đối với trường tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, mức thu học phí sẽ theo lộ trình được quy định tại khoản 1, điều 5 Nghị định 86 (đã nói ở trên).
Đối với các do Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên dự thảo không quy định rõ về mức thu học phí. Thay vào đó, dự thảo quy định: nguồn tài chính, nội dung chi, mức chi, quản lý sử dụng tài chính thực hiện theo Điều 15 Nghị định 16 của Chính phủ.
Những quy định mức học phí tại dự thảo lần thứ nhất này chính là nguồn gốc thông tin mức học phí trường đại học công lập tăng lên 20,5-50,5 triệu vào năm 2020-2021 những ngày vừa qua.
Các trường được tự quyết định học phí khi tự chủ
Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, một số báo đưa về mức học phí dự kiến đối với các nhóm ngành đào tạo đại học từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2020 - 2021 là căn cứ vào dự thảo lần 1 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ từ ngày 08/9/2016 là thông tin không còn cập nhật.
"Ngày 08/6/2017, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định lần 2. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong dự thảo mới nhất này không có nội dung về khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập như một số báo đã đưa tin trong những ngày qua" - ông Khánh cho hay.
Theo dự thảo mới nhất, các trường sẽ được tự quyết định mức học phí sau khi Nghị định tự chủ có hiệu lực. |
Theo dự thảo lần 2 mà VietNamNet có được, các nội dung quy định mức khung học phí theo từng loại hình trường căn cứ theo mức độ tự chủ về tài chính đã không còn.
Cụ thể, tại Điều 8 của dự thảo lần 2, quy định: "Giá dịch vụ giáo dục đại học của chương trình đào tạo đại trà theo phương thức chính quy và giáo dục thường xuyên do cơ sở giáo dục đại học tự quyết định theo quy định của pháp luật về giá. Cơ sở giáo dục đại học phải công khai mức thu học phí của từng năm học và dự kiến cho cả khóa học trước khi tuyển sinh".
Theo quy định này, các trường đại học sẽ không còn phân biệt thành 4 mức độ tự chủ về tài chính nữa và sẽ được tự quyết định mức học phí theo quy định của pháp luật về giá.
Tại điều 15 về quy định chuyển tiếp, dự thảo lần 2 quy định, các quy định về học phí tại Nghị định này khác với quy định tại Nghị định số 86 năm 2015 thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều này cũng có nghĩa, kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thì các trường sẽ được tự quyết định mức học phí theo các quy định pháp luật về giá.
Cũng theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, hiện dự thảo Nghị định đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.
Lê Văn
Đính chính thông tin về mức học phí
Ngày 23/10, Báo VietNamNet đăng tải thông tin về dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong bản tin đề cập tới mức học phí các trường công lập theo dự thảo sẽ tăng lên 5,05 triệu/tháng. Đây là thông tin chưa cập nhật kịp thời theo dự thảo lần thứ 2 đã được Bộ GD-ĐT trình lên Chính phủ. VietNamNet chân thành xin lỗi quý bạn đọc về vấn đề này. |