Từ ngày 9-13/10, TAND tỉnh Thái Nguyên đưa 33 bị cáo trong vụ án khai thác hơn 3 triệu tấn than trái phép tại mỏ than ở Minh Tiến, Đại Từ, Thái Nguyên ra xét xử.

Tại phiên tòa ngày 13/10, một số luật sư cho rằng, quá trình tạm giữ, điều tra và giám định có sai phạm tố tụng, ảnh hưởng đến bản chất của vụ án. Theo đề nghị của đại diện VKS và các luật sư, HĐXX xét thấy cần quay lại phần xét hỏi; đồng thời triệu tập thêm người tham gia tố tụng khác để làm rõ bản chất vụ việc.

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, chưa ấn định ngày mở lại.

Trước đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty CP Yên Phước) mức án 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; 16-17 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”. Tổng hợp hình phạt là 21-23 năm tù; đề nghị phạt bổ sung bị cáo từ 200-300 triệu đồng.

bi-cao-vu-than-thai-nguyen-2.jpg
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Đại diện VKS cũng đề nghị tuyên phạt anh em song sinh Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (cổ đông Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương) lần lượt mức án từ 48-60 tháng tù và 60-72 tháng tù về 2 tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”; phạt bổ sung mỗi bị cáo từ 200-300 triệu đồng.

Các bị cáo Nguyễn Ngô Quyết (cựu Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên), Đỗ Huy Cương và Nguyễn Văn Phong (đều là cựu Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công thương tỉnh) cùng bị đề nghị mức án 15-18 tháng tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đại diện VKS cũng đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (cựu  Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Thế Giang (cựu Phó Giám đốc Sở): 4-5 năm tù; Cao Sỹ Linh (chuyên viên Phòng Khoáng sản), Lại Trung Hiếu (Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT): 3-4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”...

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại số tiền đã được hưởng từ việc khai thác trái phép than, trong đó bà Châu Thị Mỹ Linh bị đề nghị nộp lại hơn 151 tỷ đồng.

Theo quan điểm luận tội của đại diện VKS, bị cáo Châu Thị Mỹ Linh và anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang được xác định có vai trò chủ mưu, đã thỏa thuận, bàn bạc với nhau và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động khai thác than trái phép.

Hồ sơ vụ án thể hiện, tháng 3/2019, Công ty Đông Bắc Hải Dương và bà Châu Thị Mỹ Linh thỏa thuận việc khai thác than tại mỏ than Minh Tiến. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn tại ở mỏ với giá 9,95 tỷ đồng.

Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép).

Công ty Đông Bắc Hải Dương phải trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.

Để tiêu thụ số than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tại Nam Định và Hải Phòng.

Cáo buộc cho rằng, "bà trùm" Châu Thị Mỹ Linh đã chỉ đạo khai thác, thỏa thuận, thống nhất ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ này với tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm.

Con số này gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm, vượt quá tổng sản lượng khai thác cấp phép là hơn 3 triệu tấn, vượt quá trữ lượng tính theo công suất khai thác năm (hơn 27 ngàn tấn), gấp 115,42 lần công suất được cấp phép tính thời gian 39 tháng khai thác.

Số than và khoáng sản đi kèm đã tiêu thụ được xác định là hơn 1,1 triệu tấn than, hơn 330 ngàn m3 bã sàng và hơn 95 ngàn m3 đá đen, với tổng trị giá hơn 174 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.

Cáo buộc cho rằng, để xảy ra sai phạm trên có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên trong việc thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản và thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Yên Phước.