Như VietNamNet đã đưa, VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng, truy tố 33 bị can vụ khai thác hơn 3,1 triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ,  Thái Nguyên). Trong đó, "bà trùm" Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty CP Yên Phước) bị truy tố về các tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép vật liệu nổ.

Công ty CP Yên Phước (Công ty Yên Phước) do bà Châu Thị Mỹ Linh là TGĐ. Công ty này được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản. Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được thành lập năm 2017, do Hà Anh Tuấn, sau đó là Bùi Mạnh Cường là giám đốc. Thành viên góp vốn có anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang. 

Theo cáo buộc, Công ty Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương có thỏa thuận khai thác than tại mỏ than Minh Tiến. Từ tháng 3/2019- 8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã khai thác trái phép hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm, gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm; với công suất gấp 115 lần so với cấp phép.

Có 1,1 triệu tấn than, hơn 330.000 tấn bã sàng và hơn 89.000 m3 đá đen trị giá hơn 174 tỷ đồng đã được tiêu thụ. Còn lại hơn 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng thu giữ.

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi của 2 nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra, từ ngày 9/7/2018 - 18/8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán tiền than và khoáng sản đi kèm cho Công ty Yên Phước là hơn 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Yên Phước chỉ xuất 19 hóa đơn giá trị gia tăng đối với than cám và than kẹp xít (không có đá đen) trị giá hơn 8,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Đông Bắc Hải Dương còn mua than của nhiều đơn vị, cá nhân không có hóa đơn, chứng từ và nhập khẩu than không có nguồn gốc rồi sàng tuyển, phối trộn các nguồn than này thành than thành phẩm bán cho khách hàng, trong đó có nhà máy nhiệt điện Anh Khánh (Thái Nguyên), nhà máy nhiệt điện Phúc Thành (Hải Dương), nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh). 

Để hoàn thiện hồ sơ chứng minh nguồn gốc số than trên, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thành lập 6 công ty và thuê người đứng tên đại diện pháp luật. Các bị can sử dụng 6 pháp nhân trên để ký hợp đồng mua hóa đơn đầu vào. 

Trong đó, Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang giao cho Hà Anh Tuấn và 2 người khác tìm kiếm nguồn bán hóa đơn, thỏa thuận việc mua hóa đơn.

Nhóm này sử dụng các nhóm chat trên zalo, viber để trao đổi, bàn bạc các nội dung liên quan đến quá trình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, trong đó có việc mua bán hóa đơn để hợp thức đầu vào số lượng than không có nguồn gốc hợp pháp.

Cáo buộc cho rằng, từ năm 2017 – 2020, Công ty Đông Bắc Hải Dương sử dụng 6 nhóm pháp nhân trên để ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn… của 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định. 

Trong đó có nhóm 5 công ty tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu (Giám đốc công ty TNHH in Quảng cáo và Thương mại Xuân Phúc) điều hành đã ký 9 hợp đồng và 4 phụ lục hợp đồng, xuất bán 315 hóa đơn có nội dung xuất bán mặt hàng than các loại, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc với giá trị hơn 1.097 tỷ đồng.

Còn nhóm 6 công ty tại Nam Định do Trần Ngọc Hán (Giám đốc công ty TNHH MTV thương mại Khoáng sản Thống nhất) điều hành ký 7 hợp đồng, xuất bán 80 hóa đơn mặt hàng than với giá trị gồm thuế VAT là hơn 531 tỷ đồng. 

Để thực hiện, Hữu và Hán chỉ đạo nhân viên hoặc thuê dịch vụ ngân hàng nộp tiền vào tài khoản nhóm các Công ty Đông Bắc Hải Dương, rồi sử dụng ủy nhiệm chi bỏ trống thông tin, có sẵn chữ ký và dấu do kế toán Công ty Đông Bắc Hải Dương chuyển trước để điều thông tin chuyển khoản thanh toán nhằm hợp thức dòng tiền.

Công ty Đông Bắc Hải Dương trích từ 2,5% - 3%/giá trị hóa đơn cho nhóm của Hữu và 4% cho nhóm của Hán. Ngoài ra, Công ty này còn chi tiền thuế, tiền mua hóa đơn cho 28 công ty khác. 

CQĐT xác định, từ năm 2017 – 2020, nhóm của Hữu bán 315 hóa đơn với tổng giá trị hơn 1.097 tỷ đồng; thu lời bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Nhóm của Hán xuất bán 80 hóa đơn, thu lợi hơn 19,3 tỷ đồng.