Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là động lực tạo sự phát triển đột phá, huyện Tam Dương đã và đang dành nguồn lực, đề ra các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn. Trong đó, huyện xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng chính quyền số, góp phần phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân sẵn sàng thay đổi nhận thức, coi chuyển đổi số là thời cơ, vận hội; tích cực ứng dụng các thành tựu của chuyển đổi số để phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị, cộng đồng và xã hội.

Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, UBND huyện Tam Dương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể; giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã, thị trấn có hộp thư điện tử. Huyện đã triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn.

Vĩnh Phúc.jpg
UBND huyện Tam Dương trang bị máy tính và máy scan cho người dân thuận tiện trong việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống văn bản đi, văn bản đến (trừ văn bản mật) được xử lý trên môi trường mạng. Thương mại điện tử trên địa bàn huyện tương đối phát triển, nhiều người dân có tài khoản điện tử, mua sắm hàng hóa trực tuyến.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, huyện phối hợp triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh; duy trì hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp huyện, xã; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…

Sử dụng hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản điều hành trong các cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến xã, tạo thành hệ thống liên thông trong việc gửi, nhận và xử lý văn bản điện tử trên địa bàn huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử ký số của UBND huyện đạt 99,98%, UBND cấp xã đạt 98,39%. Toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn vận hành phần mềm một cửa điện tử liên thông đạt 100%.

Là một trong bốn địa phương được UBND tỉnh lựa chọn làm điểm về công tác chuyển đổi số, xã Hướng Đạo đã được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang, thiết bị phục vụ chuyển đối số trong hoạt động của bộ phận một cửa của xã, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, triển khai các hoạt động chuyển đổi số, từng bước hình thành diện mạo xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng xã Hướng Đạo đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 90% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh, số hộ gia đình có điện thoại thông minh chiếm trên 85%, số hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang chiếm trên 80% giúp cho người dân dễ dàng giao dịch trên môi trường điện tử, nhất là việc thanh toán qua các giao dịch chuyển khoản không dùng tiền mặt, qua thẻ.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa tất cả các quy trình thủ tục hành chính, huyện Tam Dương khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện đã được đưa lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên không gian mạng; nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn huyện sử dụng hóa đơn điện tử; 100% siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt. Toàn huyện có khoảng 40% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 60% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử. Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ sóng đến 130/130 thôn tổ dân phố trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, với cách tiếp cận mới nhằm tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số hướng tới cấp cơ sở, thôn, tổ dân phố sử dụng tốt các ứng dụng, tiện ích và hướng dẫn giúp đỡ người xung quanh tham gia thúc đẩy xã hội số phát triển, đã có hàng nghìn lượt người tại cấp xã, thôn, tổ dân phố, doanh nghiệp đăng ký tham gia các khóa học về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà Onetouch do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, tổ chức.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, hướng đến phát triển chính quyền số, kinh tế số theo lộ trình đề ra, huyện Tam Dương tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp; trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp khai thác các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích người dân ứng dụng chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống.

Nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác này. Đồng thời, tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyển đổi số; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả chuyển đổi số vào thành tích thi đua của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

Theo Thiệu Vũ (Báo Vĩnh Phúc)