Để tạo ra một lực lượng lao động có năng lực làm chủ công nghệ số, Sở Nội vụ, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Quảng Bình, đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, như: Lập hồ sơ điện tử, nộp lưu hồ sơ điện tử vào lưu trữ cơ quan trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh; Trang bị kiến thức CĐS trên nền tảng MOOCs (quangbinh.mobiedu.vn) cho cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện.
Mặt khác, tỉnh chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Sở TT-TT tích cực triển khai công tác giám sát và đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật nhằm phòng, chống các phần mềm độc hại tấn công vào hệ thống các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 5/2024, Sở TT-TT phân bổ 6.000 bản quyền Bkav Endpoint Al do Công ty CP phần mềm diệt virus Bkav tài trợ để cài đặt cho máy tính của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và cán bộ, viên chức làm việc trong các đơn vị của 2 ngành: Y tế và Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). Toàn bộ máy vi tính cài đặt được quản lý, giám sát bởi hệ thống giám sát tập trung, được thiết lập tại Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh.
Hoạt động ứng dụng các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung quan trọng của tỉnh được các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh. Hiện tại, toàn tỉnh có 21/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh, 7/8 UBND cấp huyện, 82/151 xã, phường, thị trấn duy trì, cập nhật thường xuyên các thông tin trên trang thông tin điện tử. Điển hình là huyện Tuyên Hóa với 100% xã, thị trấn cập nhật thông tin thường xuyên.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tiếp tục được khai thác, sử dụng thống nhất tại 21/21 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 8/8 UBND cấp huyện và 151/151 UBND cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được duy trì, sử dụng tại các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã và mở rộng ra một số tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp thuộc tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết văn bản, hồ sơ công việc của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng. Đa số hồ sơ TTHC được số hóa.
Ngành Y tế là một trong những đơn vị triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác CĐS, xem đó là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao năng lực quản lý, tạo sự thay đổi tích cực trong công tác khám, chữa bệnh (KCB), mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh cho hay: Hiện tại, toàn ngành có 176/176 cơ sở KCB triển khai tiếp đón người dân đăng ký vào KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng thẻ căn cước công dân (CCCD). 8/8 đơn vị y tế đủ điều kiện triển khai cấp giấy khám sức khỏe điện tử. Hiện nay, đã liên thông trên 27.200 giấy khám sức khỏe lái xe, trên 15.800 giấy chứng sinh và một số giấy báo tử lên Cổng giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội. Một số đơn vị, như: Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới triển khai hiệu quả cây máy tự động đón người dân đến KCB BHYT bằng CCCD tích hợp xác thực sinh trắc (sử dụng công nghệ xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt)…
Ngành GD-ĐT cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác CĐS. Ngành có đủ thiết bị hỗ trợ họp, hội nghị trực tuyến; hệ thống máy chủ riêng phục vụ công tác công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, lưu trữ dữ liệu phần mềm số hóa. Hiện tại, hạ tầng kỹ thuật của các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng, sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học. Các đơn vị đã sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành… 100% hồ sơ, TTHC được số hóa theo quy định, tiếp nhận trực tuyến 100% hồ sơ TTHC. Đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành có phương tiện, điều kiện làm việc trên môi trường số…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CĐS, các ngành, địa phương còn gặp không ít rào cản, vướng mắc. Đối với ngành GD-ĐT, một trong những khó khăn lớn nhất khi thực hiện CĐS là thiếu kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ, nhất là ở các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa. Không ít cơ sở giáo dục chưa khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm được triển khai, trang bị trong toàn ngành. Việc vận hành, quản lý hồ sơ điện tử, như: Sổ điểm, học bạ điện tử gặp nhiều khó khăn...
Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Thành (TP. Đồng Hới) Nguyễn Thị Ánh Nguyệt cho biết: Hiện tại, việc thực hiện học bạ số tại các trường học chưa đồng bộ, còn phải thao tác theo phương pháp thủ công, như: In ra giấy, ký tên, đóng dấu... Trường cũng tăng cường các hoạt động nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản thu song hoạt động này cũng gặp không ít vướng mắc. Nguyên nhân là do một số phụ huynh chưa tiếp cận với việc giao dịch điện tử thay cho dùng tiền mặt, nhất là những phụ huynh lớn tuổi, phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn.
Ngành Y tế cũng gặp không ít rào cản khi thực hiện CĐS. “Một bộ phận người dân đến các cơ sở y tế để KCB vẫn sử dụng thẻ BHYT, nhất là ở tuyến xã. Hệ thống CNTT của một số trạm y tế chưa đáp ứng các điều kiện để đọc dữ liệu CCCD gắn chíp, chưa có thiết bị đầu đọc mã QR để tra cứu thông tin KCB BHYT bằng CCCD. Nhiều người dân (chủ yếu là người già, người ở các địa bàn vùng nông thôn) chưa quan tâm đến việc thanh toán viện phí và các khoản thu bằng hình thức chuyển khoản mà vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt…”, Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Viễn Anh chia sẻ.
Thiếu kinh phí là khó khăn chung của các ngành, địa phương trong tỉnh khi thực hiện CĐS. Do đó, việc xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu, làm giàu, làm mới dữ liệu số chuyên ngành, lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong muốn. Một số dữ liệu thiết yếu chưa hoàn thành số hóa nên chưa triển khai làm sạch, đồng bộ với dữ liệu dân cư để triển khai các tiện ích. Công tác số hóa kết quả giải quyết TTHC tại một số đơn vị, địa phương chưa cao…
Từng bước khắc phục khó khăn, toàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, tái cấu trúc quy trình điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả và tái sử dụng dữ liệu TTHC gắn với xác thực dữ liệu về dân cư theo Đề án 06. Mặt khác, rà soát và triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phát triển dữ liệu số, gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng để xây dựng chính quyền số, dẫn dắt phát triển kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện công tác CĐS, nhiều đơn vị có cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như các ngành: Lao động-Thương binh-Xã hội, GD-ĐT đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt; ngành Giao thông vận tải triển khai thiết bị giám sát thi cử, sát hạch lái xe tại Trung tâm Sát hạch lái xe thuộc Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình; Ngành Thuế mở rộng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; Ngành Công thương đưa vào vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử và phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Quảng Bình… |
Theo NH.V (Báo Quảng Bình)