Rảnh rỗi rủ nhau có bầu

Trong 5 năm hẹn hò, Phạm Hoàng Thương Hiền (27 tuổi, Hà Nội) cùng bạn trai đề ra các kế hoạch và lần lượt hoàn thành. Duy chỉ có kế hoạch sinh con là cả hai không làm đúng.

anh 2 tam su me bim sua.png
Hội bạn thân của Hiền rủ nhau mang thai trong mùa dịch

“Từ đầu, vợ chồng tôi chưa có kế hoạch sinh con ngay. Tuy nhiên, sau đám cưới của chúng tôi một tuần, dịch Covid-19 bùng lên ở Hà Nội. Thời điểm đó, mọi người phải ở nhà, không ra ngoài làm việc. Thấy vậy, hội bạn gái thân thiết của tôi rủ nhau có em bé.

Mặc dù, tôi chưa chuẩn bị tâm lý lẫn kinh tế nhưng thấy bạn bè nói hợp lý và vui nên không kế hoạch nữa”, Thương Hiền kể trong chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa.

Hội bạn thân lần lượt mang thai, mỗi người có tin vui cách nhau vài tháng. Riêng Hiền, sau cưới 3 tháng, cô vỡ òa khi que thử thai lên 2 vạch. 

Vì quá mong đợi nên Hiền đi khám thai khá sớm ở phòng khám tư. Lúc siêu âm, bác sĩ không thấy thai làm tổ nên chẩn đoán thai ngoài tử cung. Bác sĩ khuyên vào bệnh viện khiến Hiền hoang mang, không dám chia sẻ với người thân. 

Đến tối cùng ngày, Hiền kể cho chị gái chuyện đi khám thai. Từ đây, cả nhà biết chuyện, khuyên Hiền đến bệnh viện lớn khám lại. Một tuần sau, vợ chồng Hiền mừng rỡ nhận kết quả thai nhi phát triển bình thường.

Thai kỳ của Hiền diễn ra khá suôn sẻ. Do Hiền không biết nấu ăn, không thường làm việc nhà nên chồng cô xung phong làm hết. 

Hiền kể: “Đợt đó, chồng tôi không phải đi làm. Anh ở nhà nấu ăn tẩm bổ làm tôi tăng đến 20kg.

Dù dịch bệnh phức tạp, khó đi chợ nhưng chúng tôi được bố mẹ gửi thực phẩm rất đầy đủ. Mỗi ngày, tôi chỉ việc lên Google tìm món ăn yêu thích, rồi nhờ chồng nấu. 

Anh nấu được đủ món, từ cháo ếch Singapore, cháo bồ câu… đến các món ăn vặt đều rất ngon”.

Trong lúc chồng nấu ăn, Hiền gọi điện trò chuyện với hội bạn thân. Mọi người kể cho nhau nghe những thay đổi của cơ thể, khoe cảnh chồng nấu ăn… Ai cũng tự hào được chồng cưng chiều như “nữ hoàng”.

Vừa dỗ con vừa dỗ... mẹ chồng

Ngoài tâm sự chuyện ăn uống, hội bạn thân của Hiền còn chia sẻ kinh nghiệm đi sinh. Nhóm có 4 bạn thì 2 người sinh trước cố gắng sinh thường nhưng không được, phải chuyển sang sinh mổ. 

Họ khuyên Hiền chủ động chọn sinh mổ, tránh bị đau 2 lần. Hiền tự nhận mình “hèn nhát” nên nghe theo lời bạn.

Sợ vợ trầm cảm sau sinh, chồng của Hiền nhận trách nhiệm thức 2 đêm liền chăm con. Tuy nhiên, sang đến ngày thứ 3, anh không chịu đựng nổi, ngủ say như chết, con khóc cũng không biết.

Thấy cảnh đó, Hiền vừa buồn cười vừa thương chồng con. Cô cố gắng nén đau, đến gần dỗ con ngủ.

anh 1 tam su me bim sua.png
Con gái của Hiền kháu khỉnh, đáng yêu và cực kỳ ngoan ngoãn

Con gái của Hiền chẳng rõ lý do tại sao khóc suốt 3 tháng đầu sau sinh. Điều này khiến cô gái lần đầu làm mẹ căng thẳng.

Chưa kể, mẹ chồng từ quê ra Hà Nội hỗ trợ con dâu chăm cháu nhưng nảy sinh bất đồng quan điểm. Bà muốn nuôi bé theo truyền thống, còn Hiền nuôi con theo khoa học hiện đại.

Để con vào nếp, Hiền quyết đoán trong việc rèn con nhưng cách làm của cô khiến mẹ chồng xót cháu. 

Hiền cho biết: “Con khóc, tôi không bế lên dỗ ngay lập tức. Thấy cảnh đó, mẹ chồng tôi thương cháu đến mức khóc theo. Có lúc, tôi phải dỗ con lẫn mẹ chồng.

Trong 2 tháng sống cùng mẹ chồng, tôi căng thẳng và thấy bất tiện, không thể tự quyết cách dạy con. Tôi nói thẳng với chồng, nếu cứ nhịn mẹ chồng như thế thì bà vui nhưng tôi và con không vui. Tôi muốn mời bà về quê”.

Sau khi mời mẹ chồng về, Hiền tự chăm, rèn con vào nếp. Bé ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, ít quấy khóc.

Ban đầu, mẹ chồng và mẹ ruột đều nghi ngờ, giận dỗi Hiền. Tuy nhiên, khi thấy cháu ngoan ngoãn, các bà đến đâu cũng khen Hiền chăm con giỏi.

Về phần hội bạn thân của Hiền, lúc mang thai, mọi người hỏi han nhau rất rôm rả. Sau sinh, cả nhóm “lặn mất tăm”, ai cũng bận chăm con, chẳng còn thời gian trò chuyện.

Gần đây, hội bạn thân của Hiền mới có dịp hẹn nhau đi chơi, ăn uống và cho các bé giao lưu, làm quen với nhau. Cả nhóm đều hy vọng các con cùng nhau lớn lên và thân thiết như các mẹ.