Hôm nọ đọc trên báo bài "Nếu tăng giá khẩu trang sẽ bị phạt" buổi sáng thì chiều tối trên đường đi đến địa điểm gặp người quen, đoạn gần ngã tư Đồng Khởi - Lý Tự Trọng quận 1 thấy vài cô gái ngồi bán khẩu trang, tôi đã ghé mua để tặng.
Tuy nhiên, tôi phải rời đi tay không vì không chịu được mức giá phi lý: Một gói 10 cái loại bốn lớp giá 150 nghìn. Tôi tiếp tục ghé một hiệu thuốc gần đó cũng không khá hơn, chỉ có loại bịch bốn cái giá 60 nghìn đồng, vào tiếp một tiệm thuốc khác và hai siêu thị mini thì hết hàng.
Vấn đề tăng giá khẩu trang nhiều ngày qua đã được báo chí, mạng xã hội "phủ sóng" với mật độ dày kèm theo sự phàn nàn về đạo đức kinh doanh, tình người bạc bẽo... cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên theo luật cung cầu, dù là "cầu ảo" thì chuyện đầu cơ, khan hàng, giải cứu cũng không phải là câu chuyện lạ của thị trường. Không phải là vấn đề riêng của Trung Quốc hay Việt Nam mà sau vụ núi lửa phun trào ở Indonesia, cháy rừng lớn chưa từng có ở Úc và hiện đang là dịch corona đã tạo ra một "cơn sốt khẩu trang" có tính châu lục, thậm chí ở tầm thế giới.
Để chống dịch hiệu quả, vừa cần giải pháp y khoa vừa là vấn đề tâm thế, thái độ. Ảnh: Phạm Hải |
Theo báo Newsweek Japan, ở một số nước châu Phi, nơi chưa có ca nhiễm virus corona nào cũng đặt hàng cho các công ty sản xuất khẩu trang khối lượng lớn. Các nước châu Âu, Mỹ vốn không có thói quen đeo khẩu trang nhưng hiện nay mặt hàng này cũng trở thành khan hiếm.
Tính đến ngày 6/2 thế giới có 565 ca tử vong trên tổng số 28.261 ca nhiễm bệnh và đại đa số tập trung ở Trung Quốc, có 911 người được chữa khỏi, virus corona chủ yếu gây nguy hiểm với những người trên 65 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, có những bệnh mãn tính, như bệnh tim mạch, tiểu đường, xơ gan.
Những thông tin như người có sức khỏe tốt sẽ có khả năng đề kháng miễn nhiễm virus, tỉ lệ tử vong hơn 2% trên số người nhiễm virus không phải là quá cao, trên 70% người đeo khẩu trang sai cách(3)... là những kiến thức không phải ai cũng biết. Thay vì bình tĩnh tìm hiểu thông tin, tuân thủ các chỉ dẫn y khoa của nhà chuyên môn, hợp tác với cơ quan quản lý trong việc phòng ngừa, đoàn kết, chia sẻ với cộng đồng, sống lành mạnh, luyện tập giữ gìn sức khỏe để cơ thể tăng sức đề kháng…sẽ hiệu quả hơn việc tích trữ thậm chí đầu cơ khẩu trang!
Chuyện có một nói lên mười hay theo tâm lý đám đông dẫn đến những việc làm thiếu cân nhắc là điều đáng tiếc, lợi bất cập hại những ngày qua. Virus dịch bệnh nguy hiểm ở nước ta chưa gây chết ai thì "virus ích kỷ" đã gây tổn thương cho cộng đồng nhiều hơn.
Để chống dịch hiệu quả vừa cần giải pháp y khoa vừa là vấn đề tâm thế, thái độ. Đây không phải là vấn đề mới phát sinh trong đợt dịch này mà là vấn nạn có tính căn cơ từ lâu cần thay đổi.
Mặt khác, những câu chuyện về cơn sốt nóng lạnh của thị thường khó tránh khỏi trong một xã hội mở, của kinh tế thị trường, cho nên với rất nhiều công cụ điều hành trong tay nhà nước phải hoạch định những khung kịch bản cất sẵn trong ngăn bàn, khi hữu sự có phương án ứng phó, thay thế. Việc công khai minh bạch tin tức thông số kỹ thuật, phổ biến hướng dẫn phương pháp y khoa kịp thời... là những việc làm không thể đợi "nước tới chân". Thực tế là những biện pháp phòng tránh dịch của chúng ta đến nay khá là hiệu quả.
Trên đường phố Nhật đã xuất hiện băng rôn cổ động: Vũ Hán cố lên! Chính phủ Nhật cam kết điều trị miễn phí bất kỳ ai bị nhiễm virus corona đang ở Nhật, chính quyền Mỹ cam kết sẽ gửi đội ngũ y bác sĩ đến Vũ Hán, Malaysia viện trợ 18 triệu đôi găng tay y tế cho Trung Quốc(7). Việt Nam cũng đã ủng hộ Trung Quốc 500 ngàn đô, nhiều chính phủ và các tổ chức NGO cũng xúc tiến việc làm tương tự (8) là những hành động tích cực có tác dụng truyền lửa cho những người đang ở tâm bão!
Cơn sốt khẩu trang hiện nay đã giảm do những động thái kịp thời của chính quyền, phong trào phát khẩu trang miễn phí mặc dù không nên coi là giải pháp lâu dài căn cơ nhưng cũng đã lấy lại năng lượng tích cực tình người trong xã hội.
Tuy nhiên trong bối cảnh "Mẹ trái đất" đang bị con người xâm hại nghiêm trọng, thiên tai dịch bệnh có khuynh hướng diễn ra bất ngờ, cường độ nguy hiểm mạnh và cao... vấn đề thực tập tâm lý đám đông, tư thế và thái độ hợp tác khi cộng đồng lâm nạn cần được đặt ra cấp thiết.
Hơn lúc nào hết, ý thức cộng đồng và tinh thần "teamwork" xã hội như hiện nay phải được cải thiện, nâng cao vì nhân sinh, nhân đạo để cùng đồng lòng, chung sức vượt qua.
Trúc Nguyễn
(1) https://tuoitre.vn/pho- thu-tuong-khong-niem-yet-tang- gia-ban-khau-trang-se-bi-phat- nghiem-20200131175758928.htm
(2) https://www.newsweekjapan. jp/stories/world/2020/02/post- 92293_1.php
(3) https://tuoitre.vn/cap- nhat-dich-corona-ngay-5-2- tong-cong-492-nguoi-chet-757- ca-khoi-benh- 20200205061610507.htm
(4) https://search.yahoo.co. jp/amp/s/www.yomiuri.co.jp/ national/20200130-OYT1T50121/ amp/%3Fusqp% 3Dmq331AQNKAGYAeiz5LDimvKwKQ% 253D%253D
(5) https://www.fukuishimbun. co.jp/articles/-/1019326
(6) https://baoquocte.vn/ quyet-liet-ngua-virus-corona- nhat-ban-lap-duong-day-nong- cho-du-khach-nuoc-ngoai- 108714.html
(7) http://www.rfi.fr/vi/ch% C3%A2u-%C3%A1/20200203- malaysia-hao-phong-tang-trung- quoc-18-trieu-doi-gang-tay-y- te
(8) http://tapchitaichinh.vn/ tai-chinh-quoc-te/trung-quoc- da-nhan-duoc-bao-nhieu-tien- va-vat-dung-y-te-tu-the-gioi- trong-cuoc-chien-chong-virus- corona-318526.html