Không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ

Từ nhỏ Nguyễn Bá Thiết (SN 1998, trú tại thôn Đồng Quang, xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã bị bệnh nặng, được đưa đi chạy chữa khắp nơi. Theo người nhà, do uống quá nhiều kháng sinh nên em không được nhanh nhẹn, khôn ngoan như bạn bè cùng trang lứa. Mỗi khi mất tập trung, mắt em lại nhấp nháy liên tục.

Công dân Nguyễn Bá Thiết (giữa) vừa bị trả về địa phương do không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ

Do sức khỏe yếu, phải đi hết bệnh viện này đến nhà thương khác để điều trị nên việc học hành của Thiết cũng không được chuyên cần. Vì nghỉ quá số ngày quy định nên em chỉ học hết lớp 7.

Thế nhưng, trong lý lịch nghĩa vụ quân sự do địa phương gửi huyện đợt tuyển quân đầu năm 2023, trình độ văn hóa của Nguyễn Bá Thiết được ghi là 9/12.

Với trình độ 9/12, Nguyễn Bá Thiết nghiễm nhiên "lọt qua" tiêu chuẩn về văn hóa. Vì thế vừa qua, khi chuẩn bị bước sang tuổi 25, Thiết nhận được lệnh gọi khám nghĩa vụ quân sự.

Sau 2 lần kiểm tra sức khỏe (xã, huyện), Thiết đã trúng tuyển trước sự ngạc nhiên của mọi người. Dù là trụ cột gia đình, bố mất sớm, mẹ già yếu, nhưng vì nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc nên cả nhà cũng đành để con, em mình lên đường.

Ngày chia tay để vào quân ngũ, gia đình có sửa soạn mấy mâm cơm mời anh em họ hàng, bạn bè nhằm động viên Thiết yên tâm huấn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sáng 7/2, cũng như nhiều thanh niên khác, Thiết tham gia tòng quân và được biên chế vào Trung đoàn BB1, Sư đoàn 324 Quân khu IV, đóng tại Đô Lương (Nghệ An).

Tuy nhiên, trong quá trình phúc tra tiêu chuẩn chiến sĩ mới về tuổi đời, sức khỏe, chính trị, văn hóa…, đơn vị đã phát hiện Nguyễn Bá Thiết mới học hết lớp 7 nên yêu cầu xin xác nhận từ nhà trường.

Sau khi địa phương cung cấp giấy xác nhận đã học xong lớp 8 năm học 2012 – 2013, đơn vị lại xác minh qua gia đình và được cam đoan là Thiết mới học hết lớp 7. Mặc dù có "lá đơn tình nguyện" nhưng đơn vị quyết định trả về địa phương do không đủ tiêu chuẩn về văn hóa.

Nói về lá đơn tình nguyện và giấy xác nhận sai sự thật về trình độ văn hóa của Nguyễn Bá Thiết, bà Phan Thị Hòa (SN 1959, mẹ đẻ của Thiết) khẳng định, không viết, không nhờ bất kỳ ai viết và không ký vào các loại giấy tờ nói trên.

Từ đây, hé lộ sự thật về lá đơn tình nguyện và hồ sơ sai lệch của Thiết được một số người tạo dựng.

Gia đình Thiết thuộc hộ nghèo, vừa được hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà

Lộ diện người giấu mặt

Để xác minh “tác giả” của lá đơn tình nguyện và giấy xác nhận về văn hóa sai sự thật, PV VietNamNet đã liên lạc với ông Nguyễn Cửu Long, Chỉ huy trưởng quân sự xã Đức Đồng.

Qua trao đổi, ông Long cho biết, đơn tình nguyện được in sẵn trong máy, dành cho những công dân tích cực, có nguyện vọng, có tinh thần xung phong, hăng hái nhằm 'làm đẹp' cho hồ sơ của họ, chứ không phải công dân nào cũng làm đơn.

Khi được hỏi gia đình bà Hòa hoặc công dân Thiết có nhờ làm đơn tình nguyện rồi ký vào hay không? Về vấn đề này, ông Nguyễn Cửu Long khẳng định: “Nhờ thì họ không nhờ, hôm đến nhà thì cháu Thiết đi vắng nên tôi tự làm”.

Lý giải về giấy xác nhận trình độ văn hóa sai sự thật, ông Nguyễn Cửu Long trần tình: “Sau khi nhập ngũ, đơn vị có yêu cầu bổ sung giấy xác nhận về văn hóa. Tôi có trao đổi với bà Hòa, đưa học bạ ra giữa nhà cho bà xem và nói là hiện nay đơn vị của cháu Thiết điện về yêu cầu xác nhận trình độ văn hóa”. 

“Hôm đó đi giao ban về muộn mà huyện lại yêu cầu xử lý gấp. Do vội quá nên sau khi đánh máy theo mẫu của đơn vị bạn, tôi ký vào đơn rồi đưa lên nhà trường xác nhận và gửi đi. Giờ mới vỡ lẽ, việc gì sai tôi xin chịu khuyết điểm”, ông Nguyễn Cửu Long xác nhận.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Đồng Lạng – người ký xác nhận vào đơn, thông tin: “Hôm đó ông Nguyễn Cửu Long, Chỉ huy trưởng quân sự xã cầm giấy đến xin xác nhận, còn đơn do ai làm, ai ký thì tôi không rõ. Nhìn học bạ thấy ghi là không được lên lớp 8, nhưng tôi nghĩ khả năng là cháu có học lớp 8 một vài tuần đầu, sau đó mới cho ở lại”.

Trụ sở UBND xã Đức Đồng, nơi ông Nguyễn Cửu Long làm Chỉ huy trưởng quân sự

“Đúng ra là phụ huynh đến xin, nhưng ông Long bảo rằng, mẹ của Thiết đã già, anh chị em đi làm ăn xa nên đi làm thay. Thời điểm đó tôi chưa về trường, nhưng nghĩ ký sẽ thuận lợi cho cháu đi bộ đội chứ không nghĩ đến mức độ như thế”, ông Tùng giãi bày.

Về việc em trai bị trả về, chị Nguyễn Thị Thắm thắc mắc: “Thông tin từ đơn vị cho biết, về thị lực, mắt của em tôi chỉ đạt 6/10. Tại sao trong giấy thông báo trả công dân về địa phương, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đức Thọ chỉ đề cập đến lý do về văn hóa mà không hề đả động gì đến vấn đề sức khỏe?”.