Trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Không thể phủ nhận sự phát triển của Hà Nội trong những năm gần đây, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những vấn đề bức xúc, thậm chí là tồn tại từ rất lâu, chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng có ý kiến nêu, nhìn rộng ra các tỉnh, thành xung quanh, nhiều địa phương không có tiềm lực, thuận lợi như Hà Nội, nhưng một số địa phương lại tạo được sự bứt phá.

Có một dạo, chỉ sau một năm trở lại Đà Nẵng, đã thấy một bộ mặt hoàn toàn khác. Hay một Hải Phòng, một Quảng Ninh, sự thay đổi đã có thể nhìn thấy.

Hà Nội thì sao? Đúng là Hà Nội đã khác trước nhiều, khác về quy mô, về nhà cao tầng… nhưng cái khác đó chưa hẳn là tiêu biểu, chưa phải đã giúp Hà Nội khang trang, hiện đại hơn.

Ngược lại, vẫn còn đó những vấn đề dân sinh, chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như ngập lụt, ùn tắc.

Nói là tồn tại, nhưng đó là tồn tại kéo dài: chưa mưa đã ngập, càng chống càng ngập, đường thì ùn tắc hơn, giải quyết chỗ này thì ùn chỗ khác. Rồi có những chủ trương được dân đồng tình, hồ hởi mà không sao thực hiện được, như việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô. Thậm chí, đây còn được coi là giải pháp làm giảm ùn tắc, nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Rồi chuyện thành phố ven sông, kỳ vọng cũng nhiều nhưng tới nay vẫn chỉ dừng lại ở xây dựng quy hoạch, nhà ở hai bên sông vẫn hình thành tự phát…

Rồi ngay cả những dự án phát triển hạ tầng giao thông, như dự án vành đai 2,5 hay đường Tôn Thất Tùng kéo dài (Lê Trọng Tấn) đến vành đai 3, giải tỏa, chia lửa, giảm ùn tắc cho đường Nguyễn Trãi và Giải Phóng cũng 30 năm nhưng vẫn án binh bất động…

Thật ra, với cương vị một chủ tịch thành phố, sẽ có nhiều lựa chọn để đóng góp cho Thủ đô, để ghi dấu ấn. Sự đóng góp đó có thể bằng lựa chọn những giải pháp đột phá, tìm ra hướng đi mới, hay quyết liệt giải quyết những vấn đề tồn tại, tháo gỡ những chuyện bức xúc dân sinh.

Khách quan mà nói, ở mỗi nhiệm kỳ, các lãnh đạo thành phố đều có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của Thủ đô. Nhưng cũng phải nhìn nhận, không hẳn lãnh đạo nào cũng để lại dấu ấn, thậm chí với hai lãnh đạo tiền nhiệm ở vị trí Chủ tịch Hà Nội, các ông Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, vì những vấn đề khác nhau, giờ đều vướng vào vòng lao lý.

Với ông Trần Sỹ Thanh, nhân sự mới được giới thiệu bầu làm Chủ tịch Hà Nội, một người từng kinh qua nhiều cơ quan, vị trí, qua nhiều vùng đất khác nhau, người dân và doanh nghiệp lại thêm một lần nữa kỳ vọng. 

Đầu tiên, đó là sự kỳ vọng về một người lãnh đạo đứng đầu hệ thống chính quyền thực sự gương  mẫu, trong sạch, vượt qua những cám dỗ, gây dựng hệ thống chính quyền liêm chính.

Đặc biệt, với những mục tiêu được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực, nhiều người kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội xây dựng được một bộ máy chính quyền trên  dưới đồng lòng với tinh thần kiến tạo, phục vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới.

Còn nữa, Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, hội tụ những nét văn hóa được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội và là sự kết tinh tinh hoa của cư dân mọi miền đất nước về Thủ đô, vậy nên, văn hóa Hà Nội phải gìn giữ được nếp sống thanh lịch của mảnh đất kinh kỳ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và đô thị hóa, Hà Nội ngày nay rộng lớn hơn về diện tích, hiện đại hơn về hạ tầng, dân cư cũng đông hơn, nhưng nét văn hóa, thanh lịch ít nhiều lại kém xưa. Vì thế, không ít ý kiến bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch Thủ đô thể hiện được tâm và tầm khi đưa ra những chính sách về văn hóa trong dài hạn, để cùng với sự phát triển về kinh tế, đô thị, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp của vùng đất ngàn năm văn hiến. 

Nhiều người cũng nói ông Thanh có lợi thế sức trẻ, có kinh nghiệm công tác qua nhiều lĩnh vực, có kinh nghiệm giải quyết những khó khăn, vì thế cũng kỳ vọng ở ông sự quyết liệt, đột phá trong giải quyết những vấn đề tồn tại của Thủ đô.

Và hơn cả, đó là kỳ vọng về một Hà Nội với chặng đường phát triển mới, kỳ vọng một người đứng  đầu chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì sự phát triển của Thủ đô. Kỳ vọng một Chủ tịch mẫu mực, cống hiến, tạo ra sức bật, sự đột phá cho Thủ đô phát triển đồng bộ về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống. Đồng thời, cũng kỳ vọng tân Chủ tịch Hà Nội rốt ráo thực hiện các giải pháp tháo gỡ những vấn đề cản trở sự phát triển của thành phố, những chuyện dân tình bức xúc như ùn tắc giao thông, ngập úng, quy hoạch, để Hà Nội là một thành phố đáng sống, một thành phố xanh-sạch-đẹp.

Nguyễn Đăng Tấn