- Sau gần 10 năm tăng trưởng ấn tượng ở mức trung bình 20%/năm, câu hỏi đặt ra là thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định hay vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai?
Sau gần 1 thập kỷ tăng trưởng liên tục 20%/năm, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đạt mức 646.000 tỷ đồng vào cuối 2016, phục vụ 20 triệu lượt khách hàng ở 63 tỉnh thành trên cả nước,… nhiều ý kiến cho rằng, tài chính tiêu dùng đã bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định. Bằng chứng là, nếu như năm 2015, tổng mức dư nợ cho vay tiêu dùng tương đương 6,62% GDP thì đến năm 2016, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ còn 6,4% GDP.
Hiện nay, các công ty tài chính tiêu dùng đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tăng mức độ tiếp cận khách hàng, giảm chi phí, tăng hiệu quả và phát triển thị trường theo chiều sâu.
Tuy nhiên, những người theo quan điểm thứ hai vẫn tỏ ra đầy lạc quan khi cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng còn rất tiềm năng và đang trở nên hấp dẫn nhà đối tác trong và ngoài nước hơn bao giờ hết. Việc FE Credit thông báo sẽ tiếp nhận khoản vay 100 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất.
Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã bước vào giai đoạn ổn định hay vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai? |
Bày tỏ sự lạc quan về thị trường tài chính tiêu dùng, ông Đặng Thanh Hùng, Giám đốc Trung Tâm Tiếp Thị FE Credit cho rằng, thị trường này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh không ngừng trong vòng ít nhất 5 năm tới.
Quả thực vậy, mặc dù liên tục tăng trưởng 20%/năm trong suốt gần 10 năm qua nhưng thị trường tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. Trong khi đó, phần lớn những người có nhu cầu chưa tiếp cận được với tài chính tiêu dùng chính thống mà còn phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách.
Theo lời bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn “khoảng 60 triệu người dân sống ở các vùng nông thôn cần được tập trung hỗ trợ, đặc biệt là tài chính toàn diện”.
Ngay thành thị, mặc dù người dân đã quen với sự hiện diện của hình thức cho vay tiêu dùng, thị trường của tài chính tiêu dùng cũng được xem là đang phát triển dưới tiềm năng bởi danh mục các sản phẩm được vay mua trả góp vẫn còn rất hạn chế. Sản phẩm thường xuyên góp mặt trong danh mục này chỉ gói gọn trong các siêu thị/cửa hàng điện máy, xe máy,… trong khi các loại hình dịch vụ, từ làm đẹp cho đến du lịch, y tế,… lại ít được các công ty tài chính tiêu dùng tập trung phát triển.
Mặc dù liên tục tăng trưởng 20%/năm trong suốt gần 10 năm qua nhưng thị trường tài chính tiêu dùng hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu vay tiêu dùng của người dân. |
Bên cạnh đó, việc thị trường tài chính tiêu dùng, vốn được dự báo sẽ có giá trị tới 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019 nhưng hiện mới chỉ có 16 công ty được cấp phép thành lập (tính đến hết tháng 06/2017) khiến tính cạnh tranh của thị trường còn rất thấp nên người tiêu dùng sẽ ít được hưởng lợi. Hơn thế nữa, trong số 16 công ty được cấp phép thành lập lại chỉ có 5-6 công ty hoạt động thực sự có hiệu quả, số còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hoặc chưa chính thức bước chân vào thị trường này.
Cũng cần phải nói thêm rằng, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin cũng đang tạo đà cho tài chính tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự ra đời của các ứng dụng trên điện thoại thông minh, giúp bên cho vay và người đi vay dễ dàng tiếp cận nhau hơn với chi phí rẻ hơn rất nhiều lần.
Ở một góc độ nào đó, có thể thấy rằng, việc FE Credit vừa công bố sẽ tiếp nhận khoản vốn vay trị giá 100 triệu USD từ ngân hàng Deutsche Bank không chỉ là một sự hợp tác đơn thuần giữa hai tên tuổi uy tín trong giới tài chính ngân hàng. Đây có thể sẽ là khởi đầu để mở ra một giai đoạn bùng nổ mới cho thị trường tài chính tiêu dùng khi dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, nguồn lực của các nhà đầu tư còn dồi dào trong khi sự phát triển của công nghệ đang hỗ trợ tối đa cho lĩnh vực tài chính và nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới.
Hoàng Lan