Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Quyết định đã đề cập tới các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của các bộ, ban, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp… trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; Triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 30 lúc 10.33.29.png
Một tiết học trên máy tính của học sinh tỉnh Yên Bái.

Từ thời điểm Quyết định số 830/QĐ-TTg được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường công tác rà soát, đề xuất xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thực hiện tiếp nhận phản ánh, thu thập thông tin về các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Thúc đẩy các hoạt động giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng thông qua các Cuộc thi Học sinh với an toàn thông tin hàng năm; Cuộc thi Phát triển ý tưởng trò chơi về chủ đề "Bảo vệ trẻ em"; Tổ chức đào tạo tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với đó, tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Triển khai kênh truyền thông bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên đa nền tảng: Website VN-COP, Fanpage VN-COP; Kênh YouTube VN-COP; Kênh TikTok VN-COP; Cung cấp 02 khóa học miễn phí dành cho cha mẹ và giáo viên trên nền tảng đào tạo onetouch.mic.gov.vn…

Thiết lập và hoàn thiện Cổng thông tin điện tử vn-cop.vn; ra mắt tính năng báo cáo xâm hại nội dung độc hại trên môi trường mạng và tính năng tra cứu website an toàn cho trẻ em. Rà soát, phát hiện và ngăn chặn nhiều trường hợp đăng tải các hình ảnh, video có nội dung xâm hại hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em; thanh tra các nền tảng mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cụ thể là tăng cường truyền thông, tập huấn về các nội dung liên quan tới bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Xây dựng nền tảng kết nối Internet an toàn để điều phối doanh nghiệp viễn thông, Internet bảo vệ người dân trên không gian mạng thông qua giải pháp bảo vệ triển khai trên các thiết bị đầu cuối truy nhập Internet do doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các thông tin không phù hợp, không có lợi cho trẻ em. Triển khai các nền tảng công nghệ chặn lọc nội dung độc hại; điều phối xử lý nội dung xâm hại trẻ em; các nền tảng hỗ trợ học tập, giải trí trực tuyến cho trẻ em.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng công nghệ về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng nhằm công bố, giới thiệu tới người dân các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng an toàn để đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng.