Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em và hầu hết các em đều tiếp cận với Internet và các thiết bị kỹ thuật số từ rất sớm. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro khi trẻ còn thiếu kỹ năng, kiến thức để tự bảo vệ mình.

Công ty cổ phần An toàn thông tin CyRadar trước đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 1.000 phụ huynh có con trong độ tuổi đi học. Kết quả cho thấy, 94,7% phụ huynh có cho con sử dụng thiết bị thông minh.

Những vấn đề phụ huynh lo lắng nhất khi con sử dụng điện thoại/máy tính gồm: Lạm dụng chơi game (75,5%), mải mê sống ảo trên mạng xã hội (69,1%), vào các trang không lành mạnh (64,9%).

Khi được hỏi về nhu cầu, mong muốn sử dụng phần mềm công nghệ để giảm thiểu mối lo lắng nêu trên, 79,8% phụ huynh cho biết muốn có tính năng quản lý được thời gian sử dụng thiết bị kết nối Internet của trẻ; 82,2% phụ huynh muốn có tính năng ngăn chặn web đen; 76,7% phụ huynh muốn ngăn chặn các game không phù hợp; 77,8% phụ huynh muốn quản lý được danh sách các app (ứng dụng).

Đặc biệt, có tới 98,9% các bậc phụ huynh mong muốn có 1 sản phẩm phù hợp với mọi loại thiết bị: Android, iOS, Windows, Mac… kết nối mọi loại mạng từ nhà đến trường, 4G-5G, và cả “câu” sang wifi hàng xóm…

Ảnh chụp Màn hình 2024 09 16 lúc 10.32.29.png
Học sinh được thao tác trên máy tính trong nhà trường.

Hiện, thị trường Việt Nam đã có các sản phẩm, giải pháp công nghệ hỗ trợ cha mẹ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, người dùng còn băn khoăn và chưa có cơ sở để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp, đảm bảo khả năng đáp ứng với các điều kiện cũng như quy định hiện nay.

Trước tình hình này, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã giao nhiệm vụ cho Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) chủ trì biên soạn dự thảo Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) có tên gọi TCCS 03:2024/VNISA “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” và các tài liệu liên quan. 

Ngày 25/6/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức Lễ công bố tiêu chuẩn cơ sở TCCS:03/2024-VNISA về “Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Theo ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của Tổ chức ChildFund Việt Nam, phát triển sản phẩm, giải pháp cho trẻ em phải đặt trẻ em làm trung tâm. Việc tác động đến quyền riêng tư, tiếp cận thông tin của trẻ phải được làm rõ trong quá trình xây dựng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của trẻ, cũng như yêu cầu của cha mẹ.

Từ thực tế tập huấn an toàn cho học sinh trên mạng, ông Đỗ Dương Hiển cho hay, có em chia sẻ là bị kiểm soát rất nhiều, thậm chí biết được mật khẩu vì nhà có camera. Đó là điều cần xem xét trong quá trình phát triển sản phẩm để đạt được sự đồng thuận giữa cha mẹ và con cái trong việc tiếp cận Internet an toàn, không làm ảnh hưởng đến quyền của các con và cũng giúp cho bố mẹ yên tâm. 

Theo các chuyên gia an ninh mạng, bên cạnh việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng thì các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao bảo vệ trẻ em là công cụ hữu hiệu để bảo vệ trẻ trước các nội dung độc hại.

Đồng thời, giúp ngăn chặn các nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ, phòng ngừa các thủ đoạn, hành vi lạm dụng, lừa đảo, phạm pháp nhắm tới trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ có công cụ để phản ánh các hành vi xâm hại.

Đối với cha mẹ, sản phẩm bảo vệ trẻ em sẽ giúp quản lý nguồn thông tin mà trẻ tiếp cận, thời gian trẻ sử dụng Internet, cảnh báo các nguy hiểm trẻ có thể gặp phải, qua đó có các biện pháp can thiệp và xử lý kịp thời.