Công tác kiều bào được triển khai mạnh mẽ và toàn diện

Sáng 11/1, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức gặp gỡ báo chí nhằm thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; kết quả công tác năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thông tin về những điểm sáng trong công tác đối ngoại trên các lĩnh vực. Trong đó, khẳng định sự lớn mạnh cũng như vai trò, vị thế của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước, đồng thời có nhiều hoạt động hướng về quê hương. 

W-415488334-1437258493887295-6804622827219299895-n-1.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin tới các cơ quan báo chí.

“Bản thân kiều bào là nguồn lực quan trọng. Dòng kiều hối luôn duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Việt Nam luôn ở top 10 nước nhận được lượng kiều hối lớn nhất. Tính từ năm 1993 đến năm 2022, lượng kiều hối là 190 tỷ USD.

Vai trò của kiều bào kiến nghị hay tham gia vào các chính sách phát triển kinh tế, 80% cộng đồng đang sống ở các nước phát triển, 500 đến 600 ngàn người là trình độ đại học và cao hơn. Đây là lực lượng giữ vai trò quan trọng trong cơ quan chính quyền của sở tại”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh

Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII và Kết luận 12, đồng thời bám sát những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết và Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 nhằm thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tập trung triển khai theo hai đột phá về tăng cường đại đoàn kết và phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cùng bảy trọng tâm. Cụ thể: Tăng cường công tác tham mưu, kiến nghị chính sách; linh hoạt trong hình thức vận động, chú trọng tới thế hệ trẻ; hỗ trợ cộng đồng về mặt pháp lý; hỗ trợ các hội đoàn và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan tới người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại cuộc gặp gỡ, lãnh đạo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan tới Chương trình Xuân quê hương 2024; việc thu hút nguồn lực kiều bào trong phát triển kinh tế, việc gìn giữ bản sắc văn hóa và gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Vị thế, uy tín của kiều bào ở nước sở tại ngày càng tăng

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tăng về số lượng và mở rộng về thành phần. Hiện, cộng đồng có khoảng 6 triệu người ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài học tập, lao động, kết hôn, đầu tư… tiếp tục tăng.

Vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Đại bộ phận bà con đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại trong tất cả các lĩnh vực, được chính quyền và người dân sở tại đánh giá cao; một số đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau. Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được vinh danh với các giải thưởng quốc tế, làm rạng danh tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại Slovakia, ngày 7/6/2023, cộng đồng người Việt chính thức được Chính phủ nước này công nhận là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14 của Slovakia, thể hiện sự lớn mạnh của cộng đồng, tạo điều kiện cho bà con hội nhập sâu vào xã hội sở tại và đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Tại Thái Lan, cộng đồng người Việt Nam tại Udon Thani, Thái Lan khai trương Phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới (9/12).

Kiều bào tiếp tục có nhiều hoạt động hướng về quê hương, phát huy vai trò là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng kiều hối chuyển về nước năm 2023 sẽ tăng trưởng từ 25 - 30% so với năm 2022. Kiều bào ở các nước có nhiều hoạt động đóng góp cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước; đồng hành cùng người dân trong nước lúc gặp khó khăn, hoạn nạn.

Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển cả về lượng và chất, đóng vai trò nòng cốt, tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê hương, đồng thời hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại.

Nhiều hội đoàn mới được thành lập như tại Úc, Hội Trí thức, chuyên gia Việt Nam – Úc với khoảng 300 thành viên chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức người Việt tại các tiểu bang (5/2023).

Tại Đức, Liên hiệp Hội Người Việt tại Đức đã tổ chức Đại hội thành lập (12/2023). Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu tổ chức Đại hội thành lập (9/2023).

Các hội đoàn phát huy vai trò nòng cốt trong việc hỗ trợ bà con ở sở tại, nhất là những địa bàn xảy ra xung đột, chiến sự hay phải hứng chịu thiên tai. Ngày càng có nhiều tiếng nói tích cực công khai lên tiếng ủng hộ đất nước.

Việc hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa sẽ được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9). Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan triển khai một số hoạt động nổi bật như: Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023; Hội thảo Tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài 2023; Gala Tiếng mẹ thân thương; Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài (16 - 31/8)…

Quỳnh Nga