Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành công văn 2547/ATTP-NĐTT tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và trường học.

{keywords}
 Bếp ăn phục vụ 3.000 học sinh tiểu học tại trường tiểu học Dịch vọng A, Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo đó, tất cả các cơ sở phải thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020; hướng dẫn triển khai nghiêm Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018.

Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trên địa bàn; phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra việc chấp hành an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho đơn vị này trên địa bàn.

Song song đó, phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.

Các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện và tăng cường đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong khám và cấp cứu, xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 77 vụ ngộ độc thực phẩm, với số ca mắc là 1.900 người.

Các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu do căn nguyên từ yếu tố tự nhiên (26 vụ), vi sinh vật (29 vụ), hóa chất (3 vụ). So với cùng kỳ năm 2020 đã giảm 43 vụ với hơn 500 người mắc, tuy nhiên Cục vẫn khuyến cáo người dân tuân thủ các nguyên tắc trong lựa chọn và chế biến thực phẩm để tránh ngộ độc đáng tiếc.

Minh Tú