Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Trong giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Trước thực trạng đó, ngày 9/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP gồm 6 chương, 84 điều, gồm quy định chung; quản lý, cung cấp và sử dụng Internet, tài nguyên Internet; quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng; giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng... Trong đó, có quy định mới về việc sử dụng mạng xã hội, Internet cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Theo đó, tại Điểm a Khoản 3 Điều 27 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải lưu trữ thông tin người dùng dịch vụ từ Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Trong trường hợp người dùng dịch vụ là trẻ em dưới 16 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật dân sự của trẻ em phải đăng ký tài khoản bằng thông tin của người đó và có trách nhiệm giám sát, quản lý nội dung trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.
Điểm e Khoản 3 Điều 27 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người dùng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trường hợp không có số điện thoại ở Việt Nam thì tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có 90 ngày kể từ ngày 25/12 (thời điểm Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực) để tiến hành xác thực số điện thoại hoặc số định danh cá nhân của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam. Sau thời điểm này, những tài khoản chưa xác thực thông tin bằng số điện thoại hoặc mã định danh điện tử sẽ không được phép hoạt động trên mạng xã hội, bao gồm bình luận, đăng tải hoặc chia sẻ các nội dung.
Như vậy, kể từ ngày 25/12/2024, tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam sẽ được xác thực số điện thoại và thông tin cá nhân. Những người dùng dưới 16 tuổi sẽ không được phép tự đăng ký tài khoản mạng xã hội mà sẽ phải nhờ cha, mẹ hoặc người giám hộ theo pháp luật đăng ký giúp tài khoản và sử dụng thông tin của chính những người này để đăng ký tài khoản. Cha, mẹ và người giám hộ cũng có trách nhiệm quản lý, theo dõi, giám sát những nội dung mà trẻ em truy cập, đăng tải và chia sẻ lên mạng xã hội.
Trước đó, các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Instagram, TikTok… cũng đã giới hạn độ tuổi người dùng có thể đăng ký và sử dụng dịch vụ là 13. Tuy nhiên, nhiều trẻ em vẫn dễ dàng truy cập qua kiểm duyệt của các nền tảng mạng xã hội này để sử dụng dịch vụ. Điều này đặt ra những thách thức cho các nền tảng mạng xã hội trong việc tạo ra các công cụ kiểm soát trẻ em chặt chẽ hơn.
Như vậy, những quy định mới trong Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng vừa được Chính phủ ban hành sẽ phần nào giúp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lừa đảo, phát tán tin tức giả mạo trên không gian mạng. Đồng thời giúp trẻ em tránh được những nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội và giúp phụ huynh có thể đồng hành và hỗ trợ trẻ em trong các vấn đề trên mạng.