Hội thảo nhằm thông tin rộng rãi những nội dung dự kiến sửa đổi và những điểm mới của chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội đến các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, việc bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Qua đó, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm và an sinh xã hội, trong đó có 2 văn bản rất quan trọng đó là Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì soạn thảo Đề án xây dựng Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi trong năm 2023-2024.
Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần thông tin rộng rãi những nội dung dự kiến sửa đổi và những điểm mới của chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội đến các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng đối tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI. “Đây cũng là cơ hội cho chúng tôi được lắng nghe các ý kiến chia sẻ của các đối tác và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách lao động, việc làm và an sinh xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Trình bày tham luận “Những nội dung mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi”, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH cho biết: Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, như: Diện bao phủ còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn...
Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH hướng tới khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật BHXH hiện hành; đáp ứng tốt tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế; nâng cao tính khả thi, phù hợp trong tổ chức thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 10 Chương với 136 Điều (tăng 1 Chương và 11 Điều so với Luật BHXH 2014) với 5 nhóm chính sách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Tương tự đối với Luật Việc làm, đại diện Cục Việc làm đã trình bày về định hướng sửa đổi Luật Việc làm sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Theo kế hoạch, dự án Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ trình hồ sơ lên Chính phủ vào tháng 6/2024 và được kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cho ý kiến (tháng 10/2024).
Với lực lượng lao động trong nước có hơn 52 triệu người hiện nay, việc quản lý lao động và tuyên truyền chính sách tới họ từ lúc họ bắt đầu tham gia tới khi rời thị trường lao động rất cần thiết.
Trong lĩnh vực việc làm, báo chí, truyền thông là cầu nối chính để tuyên truyền thể chế, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, BHXH, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp… Thực tế cho thấy, thời gian qua, truyền thông về lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, thông tin thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực này đã các cơ quan truyền thông và toàn xã hội đặc biệt chú trọng.
Việc truyền thông này một mặt hỗ trợ người lao động hiểu và tiếp cận các chính sách đã ban hành, mặt khác phố biến các chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp đang xây dựng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách thông qua việc nâng cao nhận thức cũng như sự đồng thuận của các chủ thể có liên quan trong việc nhận diện các thách thức, ghi nhận các thành tựu, từ đó xác định các giải pháp hoàn thiện chính sách tốt hơn.