Đến nay, bệnh lao vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, việc phát hiện người mắc lao còn nhiều khó khăn, vì bệnh lao tiến triển âm thầm nên người dân thường chủ quan.

Mặt khác, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, ít có cơ hội được tiếp cận với các các dịch vụ y tế nói chung và các kênh truyền thông về giáo dục sức khỏe nên kiến thức về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống bệnh lao bị hạn chế. 

Trước thực trạng trên, ngành Y tế tỉnh Quảng Bình ưu tiên chú trọng công tác truyền thông phòng, chống bệnh lao, lồng ghép vào các nhiệm vụ chuyên môn triển khai tại cộng đồng, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người có các dấu hiệu nghi mắc lao đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh lao, chỉ đạo, giám sát các ca bệnh từ trong cộng đồng…

Nhằm tăng tỷ lệ phát hiện và thu nhận điều trị lao trong cộng đồng tại các xã biên giới, vừa qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác khám phát hiện chủ động.

gsdfvbnm.jpg
Đồng bào dân tộc ở các xã biên giới được khám sàng lọc lao miễn phí. Ảnh: Hoàng Loan

"Hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc lao và bệnh phổi tại cộng đồng chưa được phát hiện còn cao nên nguy cơ lây lan rất lớn. Công tác khám sàng lọc sẽ chủ động phát hiện các trường hợp mắc lao và đưa ra phương án điều trị kịp thời, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng", Bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC chia sẻ.

Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được ưu tiên để triển khai chương trình khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng dân cư các xã biên giới thuộc Chương trình chống lao Quốc gia. 

Chương trình khám phát hiện chủ động bệnh lao năm 2024 được CDC Quảng Bình triển khai tại 9 xã gồm: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), Kim Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).

Chương trình được thực hiện từ ngày 2-25/12/2024, uớc tính có khoảng 8.000 người dân thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao tại các khu vực ở các xã biên giới, vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, không được tiếp cận với các dịch vụ y tế được khám sàng lọc lao.

Để triển khai chiến dịch hiệu quả, CDC phối hợp cùng Trung tâm Y tế các huyện hướng dẫn các Trạm Y tế trên địa bàn điều tra và lập danh sách đối tượng nghi mắc lao và nhóm nguy cơ cao. 

Những trường hợp này bao gồm nhóm người di, nhập cư, thành viên trong gia đình của nhóm dân di biến động, người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao phổi tại các khu vực biên giới… Cùng với đó, tuyên truyền, tư vấn cho người dân về đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh lao.

Tại điểm khám sàng lọc, người dân sẽ được chụp X-quang phổi, các trường hợp bất thường nghi mắc các bệnh về lao và bệnh phổi được khám, lấy mẫu xét nghiệm đờm bằng phương pháp Gene Xpert và hội chẩn để đưa ra kết luận. Với các trường hợp phát hiện mắc lao, cán bộ y tế sẽ tư vấn phương án điều trị kịp thời cho người dân. Cùng với việc khám, cán bộ y tế sẽ tư vấn cho người dân nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng.

Để tiến tới hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác khám sàng lọc nhằm phát hiện chủ động bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Tăng cường công tác truyền thông, huy động xã hội tham gia hoạt động phòng, chống lao trên địa bàn. Các đơn vị sẽ tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.