du lịch QN.jpg
Quảng Ninh sẽ mở rộng không gian du lịch nhằm thúc đẩy phát triển các tuyến du lịch kết nối vùng biển, đảo giàu tiềm năng.

Đa dạng sản phẩm để hút khách

Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã đón 10,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 18% so cùng kỳ năm 2023. Doanh thu du lịch đạt trên 22.000 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ. Đáng chú ý, khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt, tăng gần 1,5 lần so cùng kỳ. 

Điều đáng nói là mặc dù du lịch Việt Nam đang ở mùa thấp điểm đối với dòng khách quốc tế, nhưng lượng khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh vẫn duy trì theo hướng tích cực. Trong đó, 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có lượng khách đến du lịch Quảng Ninh nhiều nhất là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Úc, Nhật, Pháp, Đức, Anh. 

Kết quả này có được là nhờ tỉnh đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, ngành du lịch Quảng Ninh đã và đang xây dựng ngành du lịch xanh, văn minh, thân thiện hướng tới sự tăng trưởng bền vững.

Sở Du lịch cho biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã đưa vào khai thác 23 sản phẩm du lịch mới, như TP Hạ Long có 7 sản phẩm; huyện đảo Vân Đồn đưa vào khai thác 10 sản phẩm; ngoài ra, các địa phương trong toàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai, đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển thêm nhiều sản phẩm, chương trình du lịch vào mùa thu đông trên địa bàn tỉnh, cụ thể là sẽ tiếp tục đưa vào khai thác thêm 35 sản phẩm du lịch mới trên địa bàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới của đơn vị như du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch biên giới... Ngoài ra, phát triển sản phẩm du lịch MICE thông qua việc thu hút các chương trình hội nghị, hội thảo của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức kinh tế tổ chức tại Quảng Ninh.

Song song với việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá kích cầu du lịch cũng được tỉnh tăng cường, chú trọng ở cả trong và ngoài nước, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.

Trong định hướng phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh xác định trọng tâm là mở rộng không gian du lịch biển đảo, thúc đẩy phát triển các tuyến du lịch kết nối vùng biển đảo giàu tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.

Điển hình như đối với Vịnh Hạ Long, bên cạnh duy trì những sảm phẩm du lịch sẵn có, tỉnh quan tâm phục dựng, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của Vịnh Hạ Long để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng gắn với kinh tế đêm, du lịch thông minh, du lịch chất lượng cao; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối vùng, miền và kết nối với các di sản thế giới trong nước và quốc tế. Còn tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, ngành du lịch sẽ nghiên cứu theo hướng du lịch kết hợp trải nghiệm tham quan, vui chơi giải trí trên biển; khám phá du lịch sinh thái rừng, nghỉ đêm trên Vịnh Bái Tử Long. 

Bên cạnh lợi thế du lịch biển, đảo, Quảng Ninh cũng có tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, nhiều địa phương của tỉnh như Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái... là lợi thế để tỉnh nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng tạo ra các sản phẩm độc đáo, mới mẻ. Du lịch cộng đồng giúp khai thác những giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa, nhất là văn hoá bản địa....

Xây dựng ngành du lịch xanh để phát triển bền vững

Là điểm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam đang xác lập những bước tăng trưởng ngoạn mục và mạnh mẽ về du lịch, Quảng Ninh đang nỗ lực xây dựng các điểm đến du lịch xanh, sản phẩm du lịch xanh hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. 

du lịch móng cái.jpg
Đồng bào dân tộc Dao xã Hải Sơn (TP Móng Cái) giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống đến du khách tại Lễ hội hoa sim biên giới 2024.

Với phương châm du lịch xanh không chỉ là những điểm du lịch gắn liền với thiên nhiên, mà còn có trách nhiệm bảo vệ môi trường xanh, sạch, đồng thời bảo tồn, phát huy những giá trị, bản sắc cộng đồng. Chính vì thế, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được xây dựng xác định, phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Nhiều năm qua, huyện đảo Cô Tô đã triển khai nhiều chương trình, chính sách về bảo vệ môi trường. Cô Tô kêu gọi mỗi người dân, du khách nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô, cho biết, hiện huyện Cô Tô đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn. Đồng thời, huyện cũng duy trì đường dây nóng, thường trực tiếp nhận phản ánh của du khách 24/24h. Đặc biệt, lãnh đạo phòng, UBND huyện cũng thường xuyên tham gia mạng xã hội, hội nhóm về du lịch nhằm chủ động tiếp nhận thông tin, giám sát hoạt động, chất lượng dịch vụ du lịch, phản ánh của du khách.

Không chỉ Cô Tô, huyện Vân Đồn cũng đã khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa trong sinh hoạt của người dân, khách du lịch, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; đồng thời tăng cường thu gom, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Vân Đồn đưa ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa và đến năm 2030 thì không có rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.

TP Hạ Long là địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh, để xây dựng hình ảnh thành phố du lịch văn minh, thân thiện, mến khách, UBND TP Hạ Long đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng, xã, phường trên địa bàn tập trung chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch, xây dựng nếp sống văn minh đô thị như: Vận động nhân dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng; không vi phạm trật tự ATGT; không vứt rác ra đường, nơi công cộng, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không bán hàng rong, chèo kéo khách, nâng ép giá đối với khách du lịch;...

Với chủ đề năm 2024 là: "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kỉnh tế; phát triến văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh", Quảng Ninh sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ vào các địa bàn trọng điểm.... Phấn đấu đến năm 2030 du lịch Quảng Ninh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.