Chuyển đổi xanh xu thế tương lai

Trong diễn đàn Kinh tế Xã hội Việt Nam năm 2023 mới đây, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đã đưa ra quan điểm về việc cần phát triển kinh tế trước rồi mới chuyển đổi xanh, hay chuyển đổi xanh là ưu tiên cấp bách hiện nay. 

“Nếu chúng ta nhìn nhận kinh tế xanh như một nền kinh tế sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và hạn chế tác động tới môi trường, như vậy sẽ tác động ngay lập tức tới các lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Như vậy, đòi hỏi phải có tầm nhìn và quan điểm khác hoàn toàn so với trước. 

Thách thức lớn với Việt Nam với quốc gia đi sau và có mức thu nhập trung bình thấp là làm thế nào để từ điểm cân bằng thấp, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, tận khai tài nguyên, chuyển sang mức cân bằng cao hơn bằng cách sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm tối thiểu tổn hại đến môi trường. Nhưng ở Việt Nam bài toán không dừng ở đó, Việt Nam vẫn phải duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế hợp lý để không bị tụt hậu so với các quốc gia khác”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.

W-ben-vung-4-2.jpg
Tăng trưởng xanh là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Ông Tự Anh cho rằng, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, chỉ khi nào có sự chuyển đổi của những công nghệ đột phá và những xu hướng mới thì đó là cơ hội của những quốc gia đi sau bứt phá và vươn lên. 

Do vậy, theo ông, đây cũng chính cơ hội của Việt Nam và chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội này.

Đại diện Fulbright cho rằng xu thế chuyển đổi xanh là xu thế của tương lai, đánh đổi giữa ngắn hạn và dài hạn. Nếu đầu tư vào chuyển đổi xanh vào thời điểm này tiêu tốn rất nhiều chi phí. Việt Nam phải xử lý tất cả hệ thống cơ sở hạ tầng đi theo hệ thống cũ. 

Ví dụ phải chuyển đổi hệ thống giao thông từ việc sử dụng xăng sang điện, xây dựng cơ sở hạ tầng mới để phù hợp với kinh tế xanh, thực hiện nhiều khoản đầu tư để tạo ra tổng thể kinh tế mới.

“Chi phí ngắn hạn rất lớn nhưng về dài hạn kinh tế Việt Nam bền vững hơn. Ngược lại nếu không chuyển đổi xanh, Việt Nam có chấp nhận tăng trưởng mà làm tổn hại đến điều kiện thiên nhiên và tài nguyên hay không”, ông Tự Anh nói.

Ông cho rằng xu hướng xanh hóa chắc chắn là xu hướng tất yếu trong trung và dài hạn. Điều quan trọng là Việt Nam cần có một tầm nhìn và lộ trình cụ thể để đi từ điểm ngắn hạn này đến điểm trung và dài hạn đó.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng, nếu trong 10, 20 năm tiếp theo, Việt Nam vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5 đến 7% thì tăng trưởng xanh chính là động lực mới, đằng sau đó là phát triển bền vững. 

Theo ông Thành, áp dụng mô hình tăng trưởng xanh chúng ta sẽ không bị mất một khoảng thời gian suy giảm bởi tác động bên ngoài. Nếu Việt Nam thực sự chuyển đổi theo hướng đầu tư cho phát triển xanh và phát triển bền vững thì đây lại là cơ hội tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng nội sinh của nền kinh tế.

Hiến kế lộ trình chuyển đổi xanh

Để triển khai lộ trình chuyển đổi xanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng, ưu tiên đầu tiên là cần phân bổ kế hoạch đầu tư công cho các mô hình tăng trưởng xanh.

Theo ông, nền kinh tế Việt Nam cần 32-35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5-8% GDP) trong giai đoạn 2024-2026. Quan trọng nhất, số vốn đầu tư công  điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Vị chuyên gia cho hay, một trong những yêu cầu của chuyển đổi xanh là Việt Nam phải giảm cường độ sử dụng năng lượng, trong đó quan trọng nhất là sử dụng điện.

Từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng sản lượng điện trên tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,25-1,3. Tỷ lệ này đã giảm xuống gần 1,1 vào năm 2020 và bình quân là 1,15 vào năm hai năm có dịch Covid-19, năm 2021-2022.

Nếu nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng 7% một năm từ năm 2024 đến năm 2030, thì sản lượng đầu người sẽ đạt 4.500 kWh, bằng với mức tiêu thụ hiện nay ở Vương quốc Anh. Trung Quốc tiêu thụ ít hơn 6.000 kWh trên đầu người, nhưng có GDP bình quân  đầu người theo giá trị thị trường là gấp ba lần mức hiện tại của Việt Nam.

Ông Thành khuyến nghị, cần hạn chế thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng. Khuyến khích theo hướng ưu đãi mạnh về thuế khi áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện và năng lượng tái tạo. 

Bên cạnh đó, cần thực thi lộ trình tăng giá điện để tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Áp dụng các mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động tiêu dùng và sản xuất. Xu hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn là biến chất thải thành nguồn tạo năng lượng.

Sau cùng, ông cho rằng, xuất khẩu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam. Ngay trong trung hạn, áp lực đặt lên nhiều nhà xuất khẩu là phải sử dụng năng lượng sạch, trước mắt là một yêu cầu quan trọng ở các thị trường kinh tế tiên tiến nhưng cũng sẽ xuất hiện ở các thị trường khác. 

Vì vậy, việc thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành kinh tế theo hướng xuất khẩu không chỉ là khai thác các hiệp định thương mại tự do mà còn là đầu tư để có đủ năng lượng tái tạo cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các khu kinh tế và khu công nghiệp của Việt Nam đứng trước thách thức là phải có khả năng cung cấp đủ năng lượng tái tạo theo yêu cầu của các nhà đầu tư. Việc khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái ngay trong khu công nghiệp để cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp tại đó cần phải được thể chế hóa một cách rõ ràng.

Nguyễn Lê, Đỗ Thị Thanh Bình, Nguyễn Hồng Hạnh, Lê Thị Như Quỳnh