Chủ đề về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là vấn đề luôn được quan tâm. Tăng trưởng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hiện thực hóa cam kết của toàn cầu về biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay tại diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023.

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, bà Ngọc cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai kế hoạch hành động. Hiện các bộ, ngành, đặc biệt là địa phương đã triển khai rất mạnh mẽ trên các nhóm hành động cụ thể như triển khai các nhiệm vụ, hoạt động để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, bền vững và tăng cường quản lý, phát triển các khu, cụm công nghiệp; chuyển đổi phương tiện xe buýt thường sang xe buýt điện.

Đồng thời, nghiên cứu, đàm phán triển khai các cơ chế mới để huy động nguồn lực từ bên ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. 

ben vung 2.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu mà bất kỳ các quốc gia nào, kể cả các quốc gia đang phát triển đều phải hướng tới. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp, việc thực hiện tăng trưởng xanh bên cạnh những cơ hội mang lại cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn. 

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cụ thể hóa ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính cốt lõi nhất.

Thứ nhất, việc xây chính sách, công cụ để huy động nguồn lực tài chính và tạo môi trường đầu tư kinh doanh để cho phát triển tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt trong các chính sách này phải gắn kết vai trò kinh tế tư nhân trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công sẽ có những tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình dự án của các bộ, ngành, địa phương. Việc cân đối nguồn lực đầu tư công sẽ ưu tiên thực hiện cho các dự án tăng trưởng xanh trong từng giai đoạn.

Hiện các bộ, ngành đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh; hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt các công cụ về thuế và các công cụ khác để có thể ứng phó đối với các dự án có phác thải các bon gây ô nhiễm môi trường; dùng các công cụ để hướng tới thu hút các dự án xanh.

Tập trung triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách trình cấp có thẩm quyền để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp, cụ thể là cơ chế tiếp cận tín dụng xanh để khuyến khích các dự án xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng các giải pháp tập trung để huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh, cho tín dụng; hoàn thiện các quy định về sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, huy động nguồn lực quốc tế đối với tăng trưởng xanh.

Cùng với đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp lớn trở thành các tổ chức tài chính để dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh trong nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền xây dựng Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia.

Thứ hai, theo Thứ trưởng, tăng trưởng xanh phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án cụ thể và tập trung vào các lĩnh vực mang tính đột phá như sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy nhanh việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và chấm dứt sản xuất phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; phát triển các công trình xanh, công trình giảm phát thải cacbon bằng không và các loại vật liệu xây dựng tái chế; quản lý chất thải. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án xanh, tăng trưởng xanh trọng điểm cho giai đoạn tới.

Về cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư hiện nay, Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đang tiếp cận trên cơ sở các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Tuy nhiên, các chính sách này đã được thực hiện trong thời gian dài và hiện đang Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách với cách tiếp cận phù với Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Thứ ba, vấn đề huy động nguồn lực, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam để thực hiện tăng trưởng xanh. 

Trong thời gian qua, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức song phương, đa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu xây dựng, thiết lập hệ thống đo lường, giám sát và báo cáo trong quá trình triển khai kế hoạch.

Nguyễn Lê, Nguyễn Trần Chung, Lê Thị Thúy, Bạch Thị Hân, Vũ Việt Bảo Phùng