Là võ sĩ thì phải… lên sàn

Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối và Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) 2024 mới đây, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, TMĐT xuyên biên giới có tốc độ phát triển nhanh chóng, nếu như năm 2021 đạt 1.900 tỷ USD thì năm 2023 đã đạt 2.300 tỷ USD và dự kiến đạt 7.938 tỷ USD vào năm 2030.

Với riêng Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới được xác định là đòn bẩy cho xuất khẩu trực tuyến. Theo số liệu của Cục TMĐT và Kinh tế số, hiện mới có 13% doanh nghiệp sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Trong số các doanh nghiệp đó, 53% xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT, 47% xuất khẩu thông qua website/ứng dụng tự xây dựng.

Bên cạnh đó, giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua TMĐT còn khá khiêm tốn, mới chiếm 10-30%. Thị trường phổ biến ứng dụng TMĐT cho hoạt động xuất khẩu, như: Hàn Quốc chiếm 45%; Nhật Bản 40%, Trung Quốc 38%... “Là võ sĩ thì phải lên sàn, sản phẩm Việt muốn ra biển lớn thì phải tìm mọi cách có mặt trên các sàn TMĐT toàn cầu, cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ”, bà Oanh nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, với vai trò là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ logistics lớn nhất tại Việt Nam, Bưu điện Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp giúp các doanh nghiệp TMĐT vượt qua các khó khăn trong việc giao nhận hàng hóa quốc tế. Cũng theo ông Tuấn, tới đây Bưu điện Việt Nam sẽ chính thức khai trương sàn TMĐT chuyên biệt về nông sản (nongsan.buudien.vn) với sứ mệnh trở thành kênh buôn bán và trao đổi nông sản hàng đầu châu Á.

“Tại đây (nongsan.buudien.vn), sàn sẽ mang đến cho người tiêu dùng trên cả nước nói riêng các sản phẩm nông sản là đặc sản tuyển chọn, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng sâu xa hơn, chúng tôi muốn hướng đến xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như Mỹ và EU”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Tạo “cao tốc” cho nông sản Việt 

Nhìn lại báo cáo TMĐT năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, mới có 13% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Trong số các doanh nghiệp đó, có 53% xuất khẩu thông qua sàn giao dịch TMĐT và 47% xuất khẩu thông qua website/ứng dụng tự xây dựng. Đây có thể coi là những con số rất khiêm tốn trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang thuộc top đầu thế giới, trong đó có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Thay anh.jpg
Các đại biểu tham gia buổi xúc tiến thương mại xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm đã đạt 715,55 tỷ USD, mở ra kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể chạm mốc 800 tỷ USD. Đáng chú ý, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nói không quá, Việt Nam đang trở thành cường quốc xuất khẩu, trong đó nông lâm thủy hải sản chính là những mặt hàng mũi nhọn.

Trong 36 mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”, đáng mừng nhất là các mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn đều đã vượt mức xuất khẩu của cả năm 2023, gồm: thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, vượt 2,2% so với cả năm 2023; rau quả đạt 6,6 tỷ USD, vượt 18,2%; gạo đạt 5,3 tỷ USD, vượt 13,4%; cà phê đạt 4,9 tỷ USD, vượt 16,3%; hạt điều đạt 4 tỷ USD, vượt 9,2%; hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD, vượt 33,7%; chè đạt 235 triệu USD, vượt 12,9%.

Trong khi đó theo báo cáo của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới người tiêu dùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296.300 tỷ đồng vào năm 2027. Chỉ riêng hàng Việt Nam xuất khẩu và bán trên sàn Amazon của Mỹ đã tăng 300% trong 5 năm qua, trong đó chỉ riêng năm 2023 đa lên tới 17 triệu sản phẩm. Đây chính là tiền đề để hàng Việt tự tin bước lên các sàn TMĐT toàn cầu và việc xây dựng chính sách hỗ trợ chính là tạo ra những đường băng cho hàng Việt cất cánh.

Quay lại với chủ đề sàn TMĐT, theo các chuyên gia Việt Nam cần phải tạo được “cao tốc” cho hàng hóa Việt tiến mạnh lên các sàn. Theo báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam đã tăng trưởng 26%. Những con số này minh chứng cho tiềm năng to lớn và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin lên các sàn TMĐT toàn cầu (Alibaba, Amazon…) thì việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận, triển khai ứng dụng TMĐT xuyên biên giới là rất cần thiết. Trong đó, đào tạo kiến thức và kỹ năng số, năng lực cạnh tranh, thông tin thị trường, pháp lý, thuế quan, logistics… cho các doanh nghiệp – xây “cao tốc” cho doanh nghiệp lên sàn TMĐT chính là hướng đi lâu dài và bền vững cho xuất khẩu Việt Nam nói riêng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung, đưa thương hiệu Việt Nam ngày càng có chỗ đứng trên trường quốc tế.