Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Cần phải có các chính sách thu hút đầu tư vượt trội

Đại biểu Tạ Đình Thi (TP Hà Nội) cho biết, theo định hướng thì Đà Nẵng phải trở thành một đô thị thông minh, sinh thái hiện đại. Các mô hình như là Maldives (quốc gia nhỏ nhất châu Á được mệnh danh là thiên đường du lịch), Bali của Indonesia hay Singapore là những các mô hình mà Đà Nẵng có thể tham khảo và theo đuổi.

danang2.jpeg
 Năm 2023 Đà Nẵng đã thu hút trên 372 đoàn đoàn khách quốc tế.

“Muốn vậy thì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của thành phố và Đà Nẵng cần phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như là cầu nối với cả nước và thế giới”, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Nội cũng lưu ý, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là chuỗi cung ứng về công nghệ, thị trường đầu ra và nguồn vốn.

Vì vậy, Đà Nẵng cần phải có các chính sách thu hút đầu tư vượt trội, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ chế hợp tác và gắn kết chặt chẽ để các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát huy được thế mạnh của mình.

Ông Thi đề nghị trong dự thảo nghị quyết nghiên cứu, xem xét bổ sung một điều riêng về việc nâng cao năng lực và kết nối các nguồn lực cho các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong khu vực công.

Thành phố đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi trong các lĩnh vực mũi nhọn để làm nền tảng cho sự phát triển của Đà Nẵng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có nhiều thế mạnh như kinh tế biển, bảo vệ môi trường và du lịch thông minh.

Tạ Đình Thi .jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi (TP Hà Nội). Ảnh: QH

Bên cạnh đó là phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; cho phép các nhà khoa học, giảng viên đại học được thành lập và trực tiếp quản lý, điều hành các doanh nghiệp khoa học công nghệ Startup/Spin-off để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.

Việc này sẽ tháo gỡ một số rào cản về chuyển giao thương mại hóa tài sản trí tuệ và các sản phẩm khoa học, công nghệ như định giá công nghệ quản lý sản phẩm khoa học, công nghệ, như tài sản công.

“Chính sách này đã được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quốc hội vừa rồi đã thảo luận, cơ bản là đồng tình. Vì vậy, chúng tôi ủng hộ nên đưa vào dự thảo thành chính sách đặc thù đối với TP Đà Nẵng”, đại biểu Tạ Đình Thi nói.

Đà Nẵng phải đi trước

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) bày tỏ sự đồng tình với việc bổ sung nhiều chính sách mới tạo đột phá phát triển TP Đà Nẵng trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Tân cho rằng, nếu không kịp thời có những cơ chế đột phá đặc thù tạo dư địa để phát triển, nhất là về đất đai thì con đường phát triển phía trước của Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, việc xác định Đà Nẵng theo hướng phát triển xanh, bền vững dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong thu hút đầu tư,… là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đây cũng là xung lực mới cho tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho phát triển du lịch bền vững của Đà Nẵng.

NguyenChiDung01.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Giải trình làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần phải có một cơ chế mới để Đà Nẵng vừa phát huy được vai trò là trung tâm của vùng, vùng động lực miền Trung gồm từ Huế vào đến Quảng Ngãi.

Ngoài ra, Đà Nẵng là một cực tăng trưởng của cả nước nên khi bàn đến Đà Nẵng thì không phải bàn riêng cho Đà Nẵng mà bàn cho cả vùng động lực này, làm bệ đỡ cho cả Tây Nguyên.

"Đà Nẵng phải đi trước, phải đạt được những thành tựu cao hơn, nhanh hơn nữa để còn lôi kéo, thúc đẩy và lan tỏa ra các địa phương khác trong vùng động lực, kể cả hỗ trợ cho vùng Tây Nguyên", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một trong những chính sách đặc thù được nhiều đại biểu quan tâm là thành lập khu thương mại tự do, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay các nước ngày càng mở, càng ngày càng cạnh tranh.

Cứ đến đâu có cái gì mới, cái gì hay là họ làm chứ không cầu toàn. Các nước hiện nay đang cạnh tranh rất quyết liệt để tạo môi trường đầu tư, thu hút đầu tư thuận lợi cho thương mại và xuất khẩu.

Vì vậy, dự thảo quy định ngoài các chính sách ưu đãi về thuế hay đất đai, lao động, nguồn lực thì có 2 chính sách ban soạn thảo nghiên cứu thấy rất quan trọng.

Một là thủ tục hành chính, ông Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng ở Thượng Hải, 1 nhà máy ô tô của Tesla cũng 2-3 tỷ USD nhưng từ khi khởi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng có 11 tháng. Một trung tâm thương mại mấy trăm triệu USD từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào khai thác 68 ngày.

"Tại sao người ta lại làm được? Vẫn là thủ tục hành chính. Lần này Đà Nẵng có đề xuất và chúng tôi rất ủng hộ là phải thí điểm đưa cơ chế chính sách đột phá, thật đột phá vào đấy, đó là thủ tục hành chính, là một cửa tại chỗ và phân cấp triệt để, mạnh dạn triệt để chứ không nửa vời", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. 

Chính sách thứ hai là cho phép các tập đoàn lớn được thành lập văn phòng ở đây mà không cần phải lập dự án.

"Những nhà đầu tư lớn lập văn phòng là đương nhiên họ đã có đóng góp và sẽ lập dự án sau đó. Chúng ta lại ràng buộc ngay lúc đầu rồi thì mất cơ hội", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích.