Sáng 31/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định

Ông Dũng cho biết, trong 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất có việc thí điểm chính sách về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, thành phố cần có xung lực mới trong tăng trưởng và phát triển, trong đó xác định phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là ưu tiên hàng đầu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thì nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định. Chúng ta cần thu hút chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới đến Việt Nam và Đà Nẵng nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp.

NguyenChiDung 1.png
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Ngoài ra, Đà Nẵng có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước; cơ chế hỗ trợ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn.

Cụ thể, hỗ trợ cung cấp phần mềm miễn phí, giảm tiền thuê đất/văn phòng, thuế doanh nghiệp.

Đồng thời, thu hút doanh nghiệp và chuyên gia toàn cầu về vi mạch bán dẫn từ việc tạo cơ chế và động lực để Đà Nẵng trở thành một điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, kỹ sư và chuyên gia ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu.

Cùng với đó là tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn với mục tiêu đến năm 2030, đào tạo đủ nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngành trong tất cả các khâu…

Để giúp Đà Nẵng thực hiện được các mục tiêu đặt ra nêu trên, dự thảo nghị quyết quy định 4 nhóm chính sách.

Trong đó, Đà Nẵng được quyết định hỗ trợ từ ngân sách thành phố không quá 5% tổng chi phí mua thiết bị hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, chi phí di chuyển tài sản, dây chuyền, thiết bị, công nghệ, chi phí đối với các dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư chiến lược hoặc đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí thuê nhân lực có trình độ chuyên môn cao làm việc tại các doanh nghiệp là đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng cũng được quyết định các chương trình, dự án được ngân sách thành phố hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng và chính sách hỗ trợ về chế độ đãi ngộ về thu nhập, chi phí lưu trú đối với các chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.  

Hạn chế tạo sự khác biệt quá lớn trong áp dụng chính sách thuế

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, quy định “HĐND thành phố quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng của Thành phố” được áp dụng tương tự tại TP.HCM.

Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với dự thảo nghị quyết nhằm cụ thể hóa mục tiêu nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao: chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng.

Nội dung này cũng phù hợp với Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vì vậy, trong thời gian chờ hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này, cơ quan thẩm tra đồng ý với việc cho phép ban hành thí điểm quyết định mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học.

LeQuangManh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: QH

Ngoài ra, ông Mạnh cho rằng pháp luật hiện hành chưa quy định nội dung, mức được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.

Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa có quy định về đối tượng, điều kiện, mức miễn, giảm và thời gian giảm thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn.

Chính sách này được áp dụng thí điểm tương tự tại TP.HCM nhưng được bổ sung thêm đối tượng áp dụng: Đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đối với cá nhân trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản thống nhất với dự thảo nghị quyết và đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá, thuyết minh và làm rõ một số nội dung mới để bảo đảm căn cứ, tính khả thi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cụ thể là việc ưu đãi thuế cần được đặt trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi và tuân thủ các cam kết quốc tế.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý hạn chế tạo sự khác biệt quá lớn trong áp dụng chính sách thuế giữa các đối tượng, giữa vùng miền. Chính phủ cần bổ sung đánh giá tác động của chính sách ưu đãi thuế đến tổng thu ngân sách nhà nước của Trung ương và địa phương.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị rà soát để quy định việc miễn thuế thu nhập cá nhân chỉ áp dụng đối với khoản thu nhập có được từ hoạt động đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn (không phải miễn thuế cho tất cả thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học...). 

Điều 14, dự thảo nghị quyết quy định: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, cá nhân hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.