Các Hiệp hội Taxi tiếp tục gửi đơn "cầu cứu" trước nỗi lo khó có đất sống. Ảnh minh họa: Zing |
Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng một lần nữa gửi đơn kêu cứu tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng liên quan đến nội dung bản Dự thảo thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Bộ GTVT. Văn bản do 3 ông Tạ Long Hỷ, Nguyễn Công Hùng và Võ Thành Nhân, Chủ tịch các Hiệp hội taxi ký tên.
Trong văn bản vừa gửi đi, Hiệp hội Taxi của ba miền cho biết: "Chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, bản Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86 sẽ được Chính phủ thông qua và nếu Nghị định này vẫn giữ nguyên những nội dung của bản dự thảo lần thứ 11 thì nó cũng sẽ gần như một dấu chấm hết cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi".
Lý giải của các Hiệp hội Taxi là do bản dự thảo lần thứ 11 tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách quốc gia đối với ngành kinh doanh vận tải, làm triệt tiêu hoàn toàn khả năng cạnh tranh bình đẳng của các hãng taxi truyền thống đối với xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử khi các hãng taxi công nghệ hưởng nhiều lợi thế về điều kiện hình thức, thuế suất, chi phí cho lao động... so với taxi truyền thống.
Các Hiệp hội Taxi cũng cho biết, trong bản dự thảo Nghị định lần thứ 11, Bộ GTVT trình ngày 13/8, Bộ GTVT đã bỏ yêu cầu các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ phải gắn hộp đèn nóc, đồng thời còn cho phép cá nhân và hộ kinh doanh cá thể cũng có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ mà không phải thông qua các hợp tác xã. Như vậy, lợi thế vốn có của taxi công nghệ càng được nới rộng.
Đây cũng là lý do Hiệp hội Taxi của ba miền đã gửi rất nhiều công văn đến các cơ quan Nhà nước đề nghị giải thích sự thay đổi này. "Đứng trước nguy cơ chưa từng có, đe dọa “khai tử” taxi truyền thống, chúng tôi – Hiệp hội Taxi ba miền, đại diện cho hàng ngàn doanh nghiệp taxi, hàng chục vạn anh em tài xế taxi (những lao động chính của gia đình nuôi sống nhiều triệu người làm đơn kêu cứu này để mong nhận được sự quan tâm của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước về sự kiện xây dựng chính sách pháp luật đặc biệt quan trọng này của đất nước", văn bản này nhấn mạnh.
Trước đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã từng có các văn bản gửi đến các cơ quan quản lý mong muốn được thanh lý hợp đồng lao động với các tài xế taxi, đồng thời chuyển đổi hình thức kinh doanh sang xe hợp đồng điện tử để được hưởng các ưu đãi.
Trước động thái này của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Grab cũng gửi đi thông điệp “hoan nghênh” kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng việc chuyển đổi mô hình sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa quyền lợi cơ bản của mình, đem lại nhiều lợi ích tích cực cho toàn ngành dịch vụ vận tải nói riêng, người tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Grab cho rằng luật doanh nghiệp và các quy định hiện hành đảm bảo quyền cơ bản của tất cả các doanh nghiệp là được phép lựa chọn bất kỳ mô hình kinh doanh nào phù hợp nhất và tạo ra nhiều lợi ích nhất cho thị trường, xã hội. “Chúng tôi rất hoan nghênh cách tiếp cận của Chính phủ khi loại bỏ các rào cản và điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lựa chọn và áp dụng mô hình kinh doanh phù hợp”, Grab viết trong thông báo gửi truyền thông.
Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ bản Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 quy định các điều kiện kinh doanh vận tải. Đây là bản dự thảo lần thứ 11, sau gần 3 năm xây dựng và lấy ý kiến.