Kinh tế nông nghiệp ở Tây Ninh đang phát triển theo xu hướng hàng hoá. Với xu hướng phát triển hiện nay, ứng dụng công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử nhằm đổi mới phương thức kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử là rất cần thiết. Thời gian qua, Tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc tiêu thụ nông sản, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin liên quan đến việc cung ứng, tiêu thụ hàng hóa nông sản của tỉnh; Sở NN&PTNT phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kỹ thuật, tạo công cụ tích hợp đăng ký tiêu thụ nông sản cho người dân trên ứng dụng Tây Ninh Smart; đồng thời, tăng cường việc thực hiện liên kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán trực tuyến các mặt hàng nông sản và liên kết cung ứng đến các tỉnh, thành phố.
Nhờ đó, tới nay, đã trên 50 sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử như http://voso.vn, https://postmart.vn,...
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản, kết nối cung cầu mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; tuy nhiên, việc tiếp cận ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử trong việc kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm còn hạn chế.
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trang bị thêm kiến thức, kỹ năng quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường thương mại điện tử trên các nền tảng số, mới đây, tại tỉnh Tây Ninh đã diễn ra Hội thảo phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ FELIX chia sẻ một số giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, hướng dẫn mở gian hàng, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử FELIX.STORE; hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt xu thế và tự tin hơn trong quá trình vận hành và quảng bá sản phẩm online trên các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng được nghe tham luận về Giải pháp ứng dụng công nghệ 3D thực tế ảo, AI vào quản lý, quảng bá phát triển các sản phẩm OCOP cũng như giải pháp xây dựng số hóa dữ liệu của Ngành, cách thức kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu.
Trước đó, Sở Nông nghiệp và PTNT và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ FELIX đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của tỉnh qua kênh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân kết nối cung cầu với các hệ thống phân phối và bán lẻ hiện đại; phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông sản, đặc biệt các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Bản ghi nhớ đã đưa ra mục tiêu phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tây Ninh và Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ FELIX trong việc chỉ đạo, phối hợp triển khai, đẩy mạnh phát triển, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại sản phẩm nông lâm sản của tỉnh thông qua kênh thương mại điện tử.
Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, nội dung Bản ghi nhớ gồm: (1) Cung cấp các thông tin về thị trường, thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước; sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp địa phương; chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, mã vùng trồng; kênh phân phối, tiêu thụ hàng hoá, logistics… (2) Phối hợp tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, các hội thảo, tập huấn chuyên đề về thương mại điện tử cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương. (3) Hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, phương pháp, đào tạo và cung cấp nhân lực bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; cung cấp các chính sách ưu đãi trong việc sử dụng dịch vụ bán hàng trên kênh thương mại điện tử cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. (4) Đề xuất các giải pháp xây dựng các dự án, đề án chuyển đổi số thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. (5) Tổ chức kết nối giao thương giữa các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu.
Không dừng ở đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp trong việc đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử nhằm kết nối cung cầu, tăng giá trị cho sản phẩm nông sản của địa phương.
Hoà Thành