Qua thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và người dân; triển khai đồng bộ, kịp thời, sâu sát, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp.
Với quyết tâm cao thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách thực hiện lồng ghép trong Chương trình MTQG xây dựng NTM như: hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thuỷ sản.
Từ đó, phong trào lan toả rộng khắp, tạo nên diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; nhận thức, tư duy của người dân về sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế được nâng lên.
Phát huy thế mạnh từng địa phương, có nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tính đến cuối năm 2022, có 68 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó: có 47 sản phẩm 3 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đang trình Bộ NN&PTNT đánh giá, xếp hạng).
Đến nay, những tiêu chí cơ bản các xã đều đạt và có lợi thế như: thuỷ lợi và phòng, chống thiên tai; điện; thông tin truyền thông; nhà ở dân cư; lao động.... Nhờ đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao, thúc đẩy bình đẳng giới, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; các xã nông thôn ngày càng văn minh, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, khoảng cách giữa thành thị với nông thôn được rút ngắn.