Trong khi thời điểm này, nhiều chị em đang lo ngay ngáy vì mất 1 khoản tiền
khá lớn để mua sắm và chi tiêu cho Tết Nguyên Đán thì mẹ Sóc (chị Nguyễn Thùy
Chang, 29 tuổi, Đền Lừ, HN) lại chi tiêu Tết cực đơn giản với số tiền khiêm tốn.
Diễn đàn Tết tiết kiệm:
|
"Ngày Tết chẳng khác ngày thường"
Đó là tâm sự rất thật và thẳng thắn của chị Nguyễn Thùy Chang, 29 tuổi (Đền Lừ,
HN) trước những ngày giáp Tết. Làm dâu Hà Nội đã 3 năm nay, nhưng 3 năm đón Tết
trên cương vị làm dâu, làm vợ, làm mẹ của chị Chang (mẹ Sóc) không nặng nề như
nhiều chị em khác. Ngược lại, năm nào người phụ nữ này cũng đón Tết cùng gia
đình rất đơn giản và nhẹ nhàng.
Vào những ngày giáp Tết, trong khi các phụ nữ khác bận túi bụi mua sắm và dọn
dẹp nhà cửa thì cả nhà Chang vẫn “tểnh tênh”. Cả nhà chị vẫn sinh hoạt, ăn uống
và đi làm chẳng chút phân tâm vì Tết đang đến gần.
Nhiều đồng nghiệp nơi chị Chang làm việc đôi khi còn phải ghen tị hỏi: “Này, sao
không phải chuẩn bị Tết nhất gì à?”. Những lúc ấy Chang cười lớn đáp: “Tết nhà
em đơn giản cực kỳ. Chả có gì phải chuẩn bị nhiều”.
Gia đình nhỏ nhà bé Sóc. |
Theo như Chang kể, ngày trước khi chưa đi lấy chồng, Tết đến Chang thường phải chuẩn bị nhiều thứ lích kích hơn như dọn dẹp nhà cửa, mua bán thực phẩm, làm bánh chưng, làm giò xào... Nhưng từ ngày lấy chồng, cứ ngỡ Tết sẽ phải bận rộn hơn nữa nhưng không ngờ Tết nhà chồng Chang còn đơn giản hơn nhiều. Mọi thứ được chuẩn bị chẳng khác ngày thường là mấy. Chỉ khác là nhà có thêm lọ hoa tươi, cái bánh chưng và vợ chồng, con cái được rảnh rang đi chơi, thăm thú bạn bè hay về quê.
"Năm đầu tiền làm dâu nhà chồng, mình cứ nghĩ Tết nhất phải dọn dẹp và làm lụng vất vả. Nhưng Tết ở nhà chồng mình đơn giản lắm, còn đơn giản hơn ở nhà mình nữa. Tại vì nhà chồng mình neo người (có mẹ chồng, vợ chồng mình và con gái 3 tuổi) nên thành ra Tết ăn uống cũng không cầu kỳ. Với lại mẹ chồng mình cũng nghĩ đơn giản. Bà toàn bảo, Tết là đợt nghỉ dài nên hai con cứ tranh thủ ngủ nghỉ thoải mái nhất" - Chang tâm sự.
"Ngó" cái Tết chỉ hết 4 - 5 triệu nhà mẹ Sóc
Theo Chang tiết lộ, cứ trước Tết khoảng 1 - 2 tuần, vợ chồng Chang thường đưa cho bà nội tiền để mua sắm Tết dần. Sau đó, tranh thủ một hôm gần Tết, Chang đưa mẹ chồng đi siêu thị sắm sửa 1 buổi "tất tần tật" mọi thứ là xong cái Tết.
Nói đi mua sắm, nhưng khác với nhiều gia đình khác khuân vác đồ đạc lỉnh kỉnh, nhà Chang chỉ mua những thứ rất cơ bản, phục vụ ăn uống mấy ngày Tết.
- 2 con gà, 2 cái bánh chưng: 500 nghìn
- Bánh kẹo và mâm ngũ quả: 1 triệu
- Rau củ quả: 1 triệu
Vợ chồng Chang sẽ chi:
- Mừng tuổi mẹ chồng: 500 nghìn
- Đưa tiền Tết nhà ngoại: 1,5 triệu
- Tiền mừng tuổi các cháu: 500 nghìn (2-3 cháu)
Thùy Chang: "Tết nhất nhà mình chẳng hơn gì ngày thường" |
“Mỗi dịp Tết đến thấy chị em ở văn phòng bận rộn, tất bật lo mua sắm Tết mà mình thấy vất vả và khổ sở quá. Mình đây chẳng phải sắm phải mua gì nhiều. Tết nhất nhà mình chẳng hơn gì ngày thường cả. Mình chỉ mua thực phẩm ăn ngày mùng 1 và mùng 2 Tết. Ngày mùng 3 đã ra chợ mua đồ ăn tươi rồi” - Chang nói.
Thường thì ngày 30 Tết, nhà Chang sẽ làm Tất niên. Mùng 1 Tết, cả nhà sẽ đi chúc Tết một vài nhà người thân ở họ hàng đằng nội. Mùng 2, 2 vợ chồng đi chúc Tết họ hàng nhà ngoại ở Hà Nội. Đến mùng 3 Tết, năm nào cả nhà cũng lên tàu về quê Yên Bái và ăn Tết ở quê cho đến ngày trước khi đi làm thì mới lên Hà Nội.
Chang chia sẻ: "Có vài ngày Tết, mình nghĩ chẳng cần phải bận rộn chuẩn bị quá nhiều thứ. Mọi cái giờ đều sẵn mà. Đến mùng 3 Tết là hàng quán đã bán đầy. Vì thế, chỉ cần sắm Tết đơn giản thôi cho khỏe. Thời gian còn lại, để dành làm những việc mình thích, tranh thủ nghỉ ngơi và ở bên người thân mới đúng là kỳ nghỉ dài ý nghĩa. Nhà mình được cái cả vợ chồng và mẹ chồng đều nghĩ thế nên Tết cực kỳ đơn giản".
(Theo TTVN)