Chiều ngày 21/8, buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?” trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở đã diễn ra tại thư viện Tạ Quang Bửu (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).
Mở đầu buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Lê Hương, Viện phó Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán liệt kê khoảng 20 cuộc thi Toán học trong nước và quốc tế mà rất nhiều học sinh Việt Nam có tham gia. Các kỳ thi này tốt hay nhảm nhí, có mang tính thương mại, đánh bóng tên tuổi hay không, làm thế nào để phụ huynh phân biệt được…là những vấn đề cần được nhìn nhận thấu đáo.
Các khách mời trong buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?” thuộc khuôn khổ Ngày hội Toán học mở diễn ra tại thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội |
Trả lời câu hỏi chủ đề của buổi toạ đàm “Thi đấu Toán học, ích gì?”, TS Trần Nam Dũng – thành viên Titan Education và Spunik Education cho rằng, các kỳ thi nhìn vào mặt tích cực đang tạo không khí học tập cho học sinh. “Đây là một trong những cái gốc của sự học. Học phải có thi. Thi trước hết là để kiểm tra, đánh giá. Thi cũng tạo ra những hiệu ứng tâm lý tốt. Thi là để thi đua, nếu đạt được thì trẻ rất là phấn khởi để tiếp tục học tiếp”.
Tuy nhiên, TS Dũng cũng đưa ra một số khuyến nghị. Ông cho rằng thi là để khuyến học, mà khuyến học thì nên dành cho tất cả các lớp, tất cả các đối tượng, chứ không chỉ cho một vài đối tượng như hiện nay.
Ông Dũng cũng chia sẻ về cách thức tổ chức kỳ thi ở một số nước. “Các kỳ thi của họ không gắn liền với cơ quan Chính phủ, mà là các tổ chức có chuyên môn, các tổ chức phi Chính phủ. Họ không lấy tiền của Nhà nước để tổ chức các kỳ thi, mà thu lệ phí của học sinh. Kinh phí được xã hội hoá, tạo điều kiện cho tất cả mọi người, học sinh tất cả các khối lớp đều được thi”.
Đồng tình với quan điểm của TS Trần Nam Dũng, PGS Nguyễn Vũ Lương khẳng định, “ngay như ở trường của tôi, nếu như trường chuyên mà bỏ các kỳ thi thì trường chuyên mất ý nghĩa”.
“Các kỳ thi một mặt là để đánh giá trình độ của học sinh, một mặt quan trọng hơn là chăm sóc cho từng học sinh. Nếu như chỉ có các kỳ thi quốc tế, quốc gia thôi thì không đủ để đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của học sinh”.
Theo ông, “phần lớn các kỳ thi là cần thiết và có ích, chỉ có điều người lớn phải tổ chức như thế nào cho hiệu quả”.
Ngoài ra, ông cũng đề xuất, các kỳ thi nên được chuyển giao cho các nhà khoa học nắm chuyên môn vững, trình độ công nghệ thông tin tốt để tối ưu hoá, đảm bảo chất lượng các kỳ thi. Nếu như chất lượng kỳ thi được đảm bảo, Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức các kỳ thi mà học sinh nước ngoài có thể tham gia.
Nói tiếp ý kiến “kỳ thi dành cho tất cả mọi người” của TS Dũng, PGS Lê Anh Vinh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, phần lớn các kỳ thi là dành cho học sinh giỏi, khiến nó xa rời với đại đa số học sinh. Ông Vinh chia sẻ, ông rất tâm đắc với ý “ngày hội Toán học mở” của GS Ngô Bảo Châu trong bài phát biểu khai mạc, nghĩa là nó không quá xa vời, mà phải gần gũi để trẻ con thấy rằng có rất nhiều cách để yêu thích Toán. PGS Lê Anh Vinh cũng đưa ý kiến, không cần cứ phải là học sinh giỏi mới được tham gia các kỳ thi, để phong trào học tập được lan rộng, chứ không phải chỉ ở một nhóm nhất định.
GS Ngô Bảo Châu đưa ra thắc mắc, liệu có phải là bất thường hay không khi Việt Nam có tất cả các kỳ thi của thế giới? |
Phát biểu tại buổi toạ đàm, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ câu chuyện riêng của mình với các kỳ thi: “Hồi tôi còn bé, tôi rất thích đi thi, chưa bao giờ tôi sợ thi cả. Đỗ cũng thích mà trượt cũng thích. Có lẽ do một số yếu tố về mặt di truyền, người Việt Nam thích đi thi, thì tôi cũng không phải là trường hợp cá biệt”.
Tuy nhiên, ông đặt ra một câu hỏi tại buổi toạ đàm: “Chẳng hạn khi tôi ở Pháp, học sinh Pháp có thi Kangaroo. Khi sang Mỹ thì họ thi IMC. Ở Singapore có kỳ thi của Singapore, ở Trung Quốc có kỳ thi của Trung Quốc. Nhưng liệu có phải là bất thường hay không khi Việt Nam có tất cả các kỳ thi đó?”
Thắc mắc mà GS Châu đưa ra khiến câu chuyện chuyển hướng sang vấn đề chất lượng các kỳ thi. Theo PGS Lê Anh Vinh, chất lượng của một kỳ thi được đánh giá dựa trên 3 yếu tố: uy tín của ban tổ chức, chất lượng thí sinh và chất lượng đề thi.
Ở một góc nhìn khác, TS Trần Nam Dũng cho rằng một kỳ thi tốt cần đảm bảo 2 yếu tố: sự công bằng và tính chuyên môn. “Ở Việt Nam đã có những kỳ thi không công bằng” – ông khẳng định. Tình trạng này xảy ra khi người trong ban chọn đề cũng có những học sinh đi thi. Họ sẽ chọn những đề thi mà mình đưa ra, và thường là những đề lắt léo, chỉ có học sinh của mình làm được. Và khi đã có tư tưởng học sinh của mình, học sinh của người khác, khi đã nghĩ tới thành tích thì yếu tố công bằng sẽ không được đảm bảo. Ông cũng chia sẻ, ở nhiều nước, ban ra đề rất đông, khoảng 30-50 người, mỗi người góp một ít, đề thi rất đa dạng. Nhưng ở Việt Nam, có thể vì lý do bảo mật hay gì đó mà ban ra đề chỉ là một nhóm rất ít.
Trước băn khoăn của một số phụ huynh, rằng liệu các kỳ thi có đang gây sức ép, đang biến các em thành “gà công nghiệp” hay không, và liệu có thể không có các kỳ thi mà vẫn tốt hay không, các khách mời toạ đàm cũng đưa ra một số quan điểm.
TS Trần Nam Dũng cho biết, bản thân ông không ủng hộ việc luyện thi trong một thời gian dài, có chăng chỉ cần 2, 3 buổi trước kỳ thi để giải thích cho các em về cách thức, hình thức đề thi. Bản thân là một nhà giáo dục, ông cũng thường xuyên giải thích cho phụ huynh hiểu có những kỳ thi hoàn toàn giống nhau, không nhất thiết phải tham gia tất cả. “Mục đích của kỳ thi là để khuyến học, chứ không phải là huy chương. Tôi không khuyến khích luyện thi là một khoá học dài”.
PGS Lê Anh Vinh cho rằng các kỳ thi không nên chỉ dành cho đối tượng học sinh giỏi |
Trong khi đó, PGS Lê Anh Vinh khẳng định, hiện nay các kỳ thi đều dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia, không ai bắt ép các em phải tham gia cả. “Chúng ta nói về thành tích, tưởng rằng chúng ta đang nói về nhà trường nhưng đôi khi sức ép lớn nhất lại là từ phụ huynh. Nếu như cảm thấy việc học tập đang là áp lực thì chúng ta đừng nên tạo áp lực cho trẻ con nữa. Nếu như thấy con mình phải thi 4, 5 kỳ thi mệt mỏi quá, thì chúng ta đừng ép con mình phải làm như vậy”.
“Chúng ta nên đặt nhẹ thành tích xuống thì sẽ thấy mọi việc rất nhẹ nhàng, đặc biệt là về học tập, thi cử. Tôi nghĩ là đầu tiên phải từ gia đình, sau đó sẽ tác động đến nhà trường, chứ không nên cả hai bên đổ cho nhau để cuối cùng trẻ con là người thiệt thòi nhất”.
Nguyễn Thảo