Nguyễn Lâm Thiên Thanh sinh năm 1991, hiện công tác tại khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (Lâm Đồng). Năm 2014, chị Thanh tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học tại Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, chị tiếp tục học lên thạc sĩ ngành Công nghệ sinh học và đi làm tại phòng nghiên cứu của một công ty ở TP. Hồ Chí Minh.

Mặc dù đang có công việc ổn định với mức lương cao nhưng cô gái trẻ luôn trăn trở làm thế nào để giúp ngành nông nghiệp tại quê hương ngày càng phát triển.

{keywords}
Cô Nguyễn Lâm Thiên Thanh sinh năm 1991, hiện công tác tại khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (Lâm Đồng). 

“Mình ra và lớn lên tại Lâm Đồng, bản thân cũng xuất phát từ gia đình làm nghề nông nên rất hiểu người dân còn gặp nhiều khó khăn. Mình nhận thấy chuyên ngành học có thể áp dụng vào việc hỗ trợ và khắc phục những tồn tại trong nông nghiệp”.

Với suy nghĩ đó, năm 2016 chị quyết định về Lâm Đồng xin việc và được nhận làm giáo viên tại Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt. “Mặc dù không theo học ngành sư phạm nhưng mình lại có cơ duyên gắn bó với giáo dục nghề nghiệp” - chị Thanh nói.

Thời gian đầu giảng dạy chị Thanh gặp không ít khó khăn, nhiều học sinh còn lớn tuổi hơn cả giáo viên nên chị khá áp lực. Nhưng với khao khát truyền nghề, chị Thanh luôn cố gắng chuẩn bị bài giảng thật sinh động và học hỏi thêm nghiệp vụ sư phạm từ các thầy cô khác. 

Ngoài dạy lý thuyết, chị Thanh còn trực tiếp hướng dẫn học sinh thực tập tham gia sản xuất tại các mô hình canh tác của doanh nghiệp và hộ dân. Theo chị Thanh những chuyến như vậy vô cùng quan trọng, tạo cho học sinh cơ hội được tìm hiểu, áp dụng các kỹ thuật đã học vào thực tế.

{keywords}
Chị Thanh đang thực hiện bài giảng "Kỹ thuật điện di DNA trên gel agarose" 

“Trong dạy nghề mình thấy phương pháp tích hợp rất hiệu quả. Ví dụ như khi hướng dẫn học sinh định lượng nấm men trong mẫu, 1/4 thời gian thời gian đầu mình cho học sinh học lý thuyết và 3/4 còn lại sẽ dùng kính hiển vi thực hiện quan sát vi khuẩn thật và sẽ trực tiếp chỉ dẫn trong từng thao tác”.

Suốt 5 năm qua, chị Thanh không chỉ nhiệt huyết truyền nghề cho học sinh mà còn thường xuyên động viên tâm lý giúp các em có định hướng đúng, kiên trì học nghề.

Mong muốn phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững

Chị Thanh tâm sự, Lâm Đồng là mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đa số hộ dân vẫn còn canh tác nhỏ lẻ, tập trung nhiều vào năng suất và chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển bền vững của ngành.

Vì thế chị Thanh luôn mong muốn truyền đạt cho học sinh những kiến thức kinh nghiệm để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp bảo vệ môi trường, chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết, chú trọng khâu sau thu hoạch và phát triển thị trường.

“Ngành công nghệ sinh có nhiều ứng dụng vào nghiên cứu giống cây trồng, tăng sinh khối vi sinh vật trong rễ cây có lợi cho đất, sản xuất phân vi sinh an toàn,… Khi các em học được nghề sẽ trở thành nguồn lao động có trình độ, góp phần giúp địa phương thay đổi phương pháp sản xuất truyền thống và đem lại hiệu quả cao”, chị Thanh chia sẻ.

{keywords}
Nữ giáo viên khát vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bên cạnh đó chị thường xuyên tham gia nghiên cứu đề tài khoa học tại trường như: Xác định hàm lượng Aflatoxin trên cà phê thương phẩm; Đánh giá hàm lượng Quercetin có trong tinh dầu bưởi (Citrus grandis L); Xây dựng quy trình sản xuất Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris),… Chị Thanh từng đạt giải Nhì tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp trường. 

Trong Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 vừa qua, chị Thanh xuất sắc giành giải Nhất với bài giảng "Kỹ thuật điện di DNA trên gel agarose" và giải Nhà giáo trẻ có thành tích xuất sắc. 

Chị Thanh cho biết điện di DNA trên gel agarose là một kỹ thuật cơ bản nhưng rất quan trọng trong sinh học phân tử, giúp phân tách, phát hiện các đoạn acid nucleic dựa trên kích thước và điện tích của chúng. Kỹ thuật này sử dụng trong quy trình kết hợp với kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction). 

Đặc biệt kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau như định danh cá thể trong pháp y, tạo dòng gen, phát hiện vi sinh vật gây bệnh trong thực phẩm, phát hiện bệnh truyền nhiễm trên người, chẩn đoán bệnh trên cây trồng và vật nuôi...

Giảng viên trẻ cũng chia sẻ, thành tích này là động lực to lớn để chị cố gắng hơn trong sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp. 

Ngọc Linh

Cô giáo gần 30 năm lên lớp với... dùi đục

Cô giáo gần 30 năm lên lớp với... dùi đục

Gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Thu Hương, giảng viên Trường CĐ Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản đã quen với việc đôi tay chai sần vì phải cầm dùi đục lên lớp hướng dẫn học sinh chạm khắc gỗ.