Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 7 năm nay, xuất khẩu rau quả của nước ta đã thu về gần 3,57 tỷ USD. Nhờ đó, rau quả vươn lên là ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thuỷ sản. 

Về thị trường xuất khẩu, tính đến hết tháng 6/2024, Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất, chiếm 64,9% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,16 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tiếp đến là Hàn Quốc và Mỹ, lần lượt đạt 164 triệu USD và hơn 157 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang hai thị trường này lần lượt ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 54,6% và 33,5%.

Đáng chú ý, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam, xuất khẩu sang Thái Lan ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, lên tới 95,5% so với cùng kỳ năm 2023. 

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu rau quả. Do đó, Thái Lan cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc. Song, trong nửa đầu năm nay, người Thái đã chi 97 triệu USD để mua các mặt hàng rau quả Việt Nam. Điều này cho thấy sức hút của các sản phẩm rau quả Việt Nam đang ngày càng lớn, không chỉ tại các thị trường truyền thống mà còn ở các thị trường cạnh tranh.

Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Thái Lan chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Những tháng đầu năm nay, Thái Lan trở thành thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Trung Quốc.

Dự báo xuất khẩu rau quả nửa cuối năm nay của nước ta tiếp tục thuận lợi nhờ yếu tố mùa vụ và nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới tăng lên giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của nước ta có thể đạt hoặc vượt 7 tỷ USD.