Theo số liệu cập nhật lúc 6h sáng ngày 8/12 của trang thống kê Worldometers, trên toàn thế giới đến nay có khoảng 267,3 triệu người mắc Covid-19 và hơn 5,28 triệu bệnh nhân tử vong. Số hồi phục đạt trên 240 triệu trường hợp.
Về số ca nhiễm mới trong ngày qua, Mỹ dẫn đầu thế giới khi ghi nhận thêm 81.000 ca vào danh sách tổng hơn 50 triệu người nhiễm, và thêm 1.150 ca vào tổng số 811.600 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi.
Về số ca tử vong mới, Nga đứng vị trí số 1 với thêm 1.182 trường hợp, nâng tổng số người bỏ mạng vì virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 283.544. Số người nhiễm Covid-19 tại Nga đã lên tới 9,86 triệu, tăng thêm khoảng 31.000 ca trong cùng khoảng thời gian.
Trong số các châu lục, châu Á đang là nơi bị Covid-19 tấn công dữ dội nhất, tiếp đến là châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và châu Đại Dương.
Hà Lan huy động quân đội tham gia hoạt động khám chữa cho bệnh nhân Covid-10. Ảnh: Dutch Review |
Hà Lan huy động quân đội giúp các bệnh viện
Các nhà chức trách Hà Lan đã đề nghị quân đội tham gia hỗ trợ các bệnh viện để đối phó với tình trạng lây nhiễm Covid-19 tăng đột biến khiến các cơ sở y tế quá tải.
Bất chấp tỷ lệ tiêm vắc xin khá cao cùng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, Hà Lan đang đối mặt làn sóng Covid-19 dâng cao, với khoảng 18.000 ca nhiễm và 68 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 7/12. Đến nay, nước này đã có khoảng 2,7 triệu người nhiễm và 19.700 người thiệt mạng vì Covid-19.
Số người nhiễm Covid-19 nhập viện lên đến hàng nghìn, gây áp lực lên hệ thống y tế của Hà Lan, khiến các hoạt động khám chữa bệnh không khẩn cấp phải hoãn lại để dồn nguồn lực chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Thái Lan không áp phong tỏa
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul xác nhận nước này sẽ không áp đặt phong tỏa bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, là một người Mỹ nhập cảnh hôm 30/11 từ Tây Ban Nha, Thái Lan trở thành nước thứ 47 trên thế giới có sự xuất hiện của biến thể mới này.
Bộ trưởng Anutin cho biết, Cục Y khoa Thái Lan đang tiến hành xét nghiệm chặt chẽ hơn đối với mẫu bệnh phẩm của ca nhiễm nói trên, để đảm bảo đó thực sự là biến thể Omicron. Kết quả sẽ có sau 3-4 ngày.
Ông khẳng định các biện pháp phòng dịch của Thái Lan hiện nay vẫn hiệu quả vì tất cả hành khách nhập cảnh đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính cùng giấy chứng nhận tiêm chủng, và đêm đầu tiên phải ở trong khu cách ly để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR lần nữa.
Nhật siết nhập cảnh từ Mỹ, Australia và Ấn Độ
Chính phủ Nhật Bản quyết định siết chặt kiểm soát nhập cảnh đối với những người vừa trở về từ một số khu vực của 3 nước này để ngăn ngừa biến thể Omicron lây lan.
Theo quy định mới, kể từ 8/12, công dân Nhật và người nước ngoài thường trú ở nước này trở về từ 7 bang của Mỹ gồm Connecticut, Nebraska, Pennsylvania, Massachusetts, Missouri, Maryland và Washington, cũng như vùng lãnh thổ thủ đô (ACT) của Australia và bang Maharashtra của Ấn Độ sẽ phải cách ly bắt buộc 3 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định ngay sau khi nhập cảnh.
Họ chỉ có thể rời khu cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ ba kể từ khi nhập cảnh. Sau đó, họ tiếp tục phải cách ly tại nhà cho đến khi hết hạn cách ly bắt buộc trong 14 ngày.
>>> Cập nhật tin Covid-19 mới nhất
Thanh Hảo
Biến thể Omicron lan tới Nga và Thái Lan, nhiều nước thắt chặt hạn chế
Nga, Thái Lan ngày 6/112 đều thông báo các ca mắc biến thể Omicron đầu tiên. Để ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới, nhiều nước đã thắt chặn các hạn chế phòng dịch.