Sau đại dịch Covid-19, nhiều người xem TikTok đã vô cùng hứng thú khi thấy lãnh đạo nhiều địa phương của Trung Quốc lên mạng bán hàng, xúc tiến du lịch địa phương. Nay, họ bắt gặp câu chuyện ấy ngay tại Thái Nguyên, khi người người, nhà nhà cùng lên mạng quảng bá, tiêu thụ nông sản.

Tích cực ứng dụng công nghệ số 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, tính đến tháng 11/2023 tỉnh hiện có trên 170 sản phẩm nông nghiệp được xếp hạng OCOP từ 3-5 sao. Điều đáng chú ý, 100% các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử  (như: C-ThaiNguyen, Vỏ Sò (voso.vn), PostMart (postmart.vn)…). Đồng thời, việc quảng bá và tiêu thụ nông sản trên các nền tảng mạng xã hội do các HTX, người dân thực hiện cũng diễn ra hết sức sôi nổi khiến chính quyền các địa phương cũng phải vào cuộc.

nguoi nguoi nha nha thai nguyen.jpg
Các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh livestream bán hàng tại  Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023.

Trước tiên là các sàn thương mại điện tử, theo đại diện Sở NN&PTNT Thái Nguyên, thời gian qua Sở đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong kết nối, quảng bá và tiêu thụ nông sản, hỗ trợ đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, riêng 2 sàn Potsmart và Vỏ Sò đã có 3.240 sản phẩm được niêm yết. 

Bên cạnh đó, công tác tập huấn về kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cũng được các sở triển khai cho trên 2.600 cơ sở, hộ sản xuất, HTX; đồng thời mở được hàng ngàn gian hàng cho gần 2.200 cơ sở, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp... Thông qua ứng dụng công nghệ số, mỗi tháng đã có trên 3.500 đơn hàng với hàng trăm tấn sản phẩm được bán ra thị trường thành công thông qua các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh các sàn thương mại điện tử, hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội diễn ra hết sức sôi động. Thông qua các kênh Fanpage (trên Facebook), YouTube, Zalo Shop hay TikTok Shop, người dân, doanh nghiệp và các HTX đã tích cực quảng bá các sản phẩm, dịch vụ tới người tiêu dùng cả nước mọi lúc, mọi nơi. Từ các sự kiện Festival nông sản, Hội chợ triển lãm, Hội nghị xúc tiến thương mại… cứ có sự kiện là có livestream bán hàng.

Song song với hoạt động quản bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, công tác bảo hộ thương hiệu, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa cũng được Thái Nguyên hết sức chú ý. Cụ thể, toàn tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng trên 6,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc QRCode; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX cùng người dân. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất trong làng nghề, vùng trồng trọt, chăn nuôi... để từ đó hình thành được chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, chất lượng cao.

Đa dạng các hình thức liên kết quảng bá

Có một điều rất thú vị là bất cứ mặt hàng nào của Thái Nguyên khi đã được cấp chứng nhận OCOP đều được người dân, doanh nghiệp hay các HTX đưa lên mạng để bán bất cứ khi nào có điều kiện. Ví dụ, ngày 29/11, tại HTX miến Việt Cường (Đồng Hỷ), Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình livestream “Phiên chợ tiêu thụ sản phẩm miến dong Việt Cường và nông sản Thái Nguyên”. Chỉ sau 4 tiếng bán hàng, 900 đơn hàng với hàng tấn miến đã được bán hết.

Hoặc, ngay trong Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023 (diễn ra tối 30/11, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP. Thái Nguyên), đồng loạt 40 gian hàng của tỉnh Thái Nguyên/120 gian hàng của sự kiện đã tổ chức livestream bán hàng tạo nên không khí vô cùng sôi động, thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok, Zalo Shop…). Tại sự kiện, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khi tham quan các gian hàng cũng vào live và kêu gọi người tiêu dùng cả nước hướng về “Thủ đô gió ngàn”, tham gia mua sắm trực tuyến.

Không chỉ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội; các hội chợ/triển lãm/Festival… việc Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở NN&PTNN cùng vào cuộc với doanh nghiệp, HTX và nông dân xúc tiến, quảng bá nông sản đã tạo ra cuộc cách mạng bán hàng. Đồng thời, các Sở ngành này còn trực tiếp tạo cầu nối liên kết phát triển du lịch gắn với phát triển các sản phầm OCOP, nông sản và làng nghề để tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản gắn với phát triển du lịch làng nghề, du lịch sinh thái.

Ví dụ, sự kết hợp các làng nghề với các HTX sản xuất chè, chế biến gỗ, sinh vật cảnh, mây tre đan gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch đặc trưng, như du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà đang tạo nên những sác thái rất riêng mang màu sắc của tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, gắn kết nông sản “xứ Trà” với du lịch đang được coi là hình mẫu được nhiều địa phương khác học tập.

Theo bà Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc HTX sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt, khi có sự đỡ đầu của các sở ngành, HTX tự tin giới thiệu sản phẩm của địa phương (như thầu dầu, gà đồi, chè sạch...) đến người tiêu dùng. Những nhà xưởng, khu nguyên liệu, vùng sản xuất của HTX trở thành các điểm đến tham quan trong mô hình các tour du lịch sinh thái, biến nó trở thành địa chỉ quảng bá về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hồng Nhung và nhóm PV, BTV