Khi một quan chức cao cấp ngành thanh tra cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong ba năm qua (2012-2014) là ổn định, có lẽ ý ông muốn nói tình hình tham nhũng ở nước ta trong thời gian qua là không tăng, không giảm, thể hiện qua Chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố đối với Việt Nam là không thay đổi trong ba năm gần đây.
Đúng là khó có những đo lường chính xác mức độ tham nhũng tăng hay giảm. Về mặt số liệu thống kê, chỉ có thể biết số vụ tham nhũng bị phát hiện hàng năm tăng hay giảm nhưng đó là các vụ bị đưa ra ánh sáng. Còn dòng chảy ngầm tham nhũng thì không thể định lượng mức tăng giảm thành con số phần trăm được. Thế nhưng những đo lường gián tiếp cũng cho ta một bức tranh về tình hình tham nhũng nếu khảo sát từ phía nạn nhân của tham nhũng.
Tuần trước báo chí chú ý nhiều đến thứ hạng của các tỉnh thành trong báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) trong khi báo cáo năm nay có những phân tích rất đáng quan tâm liên quan đến tham nhũng, cho thấy tham nhũng đang tăng chứ không phải đứng yên. Báo cáo viết: “Doanh nghiệp cho biết tình trạng và tần suất chi trả chi phí không chính thức trong mọi hoạt động từ xin cấp phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục tại cảng khi xuất khẩu nhập khẩu và giải quyết tranh chấp ở tòa án ngày càng tăng”.
Cụ thể theo báo cáo, số doanh nghiệp cho biết có tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ 41% năm 2013 lên tới 66% năm 2014. Trong điều tra với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoại trừ lĩnh vực bôi trơn khi xin phép đầu tư có giảm (từ 19,7% năm 2013 xuống còn 17,2% năm 2014) còn ở các lĩnh vực khác, dấu hiệu tham nhũng đều tăng. Ví dụ, năm 2013 chỉ có 10,3% doanh nghiệp thừa nhận có trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu thì tỷ lệ này đã tăng vọt lên 31,4% năm 2014. Như thế hối lộ trong quá trình ký kết giành hợp đồng tăng cao đáng ngạc nhiên - gấp ba lần số điểm ghi nhận trong năm trước đó.
Ở đây phải lường đến khả năng những doanh nghiệp tham gia khảo sát có thể nói giảm đi mức độ tham nhũng vì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý tại nước họ nếu họ có hành vi hối lộ tại Việt Nam. Nhưng bức tranh khảo sát cũng đã cho thấy tham nhũng đâu có “ổn định” - tham nhũng đang ngày càng tăng và lan qua cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tham nhũng dẫn tới nhiều hệ lụy xấu cho xã hội là điều ai cũng biết nhưng ở đây chỉ cần nhấn mạnh một điểm cũng đủ thấy tác hại của tham nhũng. Một khi ngày càng có nhiều nhà thầu sẵn sàng hối lộ để giành lấy hợp đồng, rõ ràng những nhà thầu tốt, đầy đủ năng lực sẽ không được chọn. Ngược lại nhà thầu bỏ tiền ra hối lộ sẽ tìm mọi cách để thu vén về lại cho mình bằng chất lượng công trình thấp, bằng ăn gian vật tư nguyên liệu. Chính tham nhũng đã đẻ ra các thanh tre thay vì cốt thép trong các cột bê tông; chính tham nhũng làm cho đường mới hoàn thành đã hỏng, cầu mới xây đã bong tróc.
Chính vì thế xã hội không bao giờ chấp nhận tình trạng tham nhũng “ổn định” bởi tham nhũng “ổn định” thì xã hội sẽ đi xuống.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn