- Trong số 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra, số đã thu hồi là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất.

Chính phủ hôm nay tổ chức tại Hà Nội hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng (PCTN).

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhận định việc ban hành và thực hiện luật PCTN 2005 đã tạo cơ sở pháp lý nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân về PCTN.

{keywords}
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Chung Hoàng

"Công tác PCTN đã đạt được những kết quả nhất định, có những chuyển biến rõ rệt. Phát hiện tham nhũng thông qua kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cao tăng, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tác động tích cực răn đe, phòng ngừa", Phó Thủ tướng nói.

"Tuy nhiên, cũng có những khó khăn thách thức, công tác PCTN chưa đạt được yêu cầu đề ra. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, tín dụng ngân hàng, tổ chức cán bộ..., gây ra hậu quả xấu, xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ, tạo ra những tiềm ẩn xung đột lợi ích, phản ứng xã hội, gia tăng khoảng cách giàu nghèo".

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, chạy theo tiền tài, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, vô nguyên tắc...

Tình trạng lợi ích nhóm cũng đang là trở lực cho phát triển đất nước, nguy cơ đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của Đảng và chế độ, hủy hoại các giá trị dân chủ, đạo đức, công lý trong xã hội và mục tiêu phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khởi tố 2.530 vụ án 

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu, trong 10 năm, ngành thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo.

Trong số 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra, số đã thu hồi là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất, tỉ lệ tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

Để phòng ngừa tham nhũng, tỉ lệ kê khai tài sản, thu nhập đến nay đã đạt 99,5%, công khai đạt 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực, xử lý kỷ luật 70 người.

Đến nay có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Một số vụ án lớn chưa xử được trách nhiệm người đứng đầu

Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Tuy vậy, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Chung Hoàng