Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đáng nói, trong 10 năm qua, công tác này đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Đánh giá về công tác này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế” được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Nhưng đó là những vụ tham nhũng lớn, ảnh hưởng đến vĩ mô, đến đường lối chủ trương, đến “tồn vong của chế độ”, là một trong 4 nguy cơ mà Đảng đang tập trung phòng, chống.

Còn tham nhũng vặt vẫn đang len lỏi mọi ngóc ngách của đời sống. Tham nhũng vặt có mặt khắp nơi, đến mức như đại biểu Quốc hội cảnh báo, đó là những “vòi bạch tuộc” rất nguy hiểm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng thừa nhận, “có sự nhũng nhiễu trong thực thi công vụ”.

Việc này tuy không nhức nhối bằng những đại án nhưng nó lại ảnh hưởng đến số đông người dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận “có sự nhũng nhiễu trong thực thi công vụ”.

Nguy hiểm của tham nhũng vặt là làm băng hoại đạo đức xã hội, làm giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền. Người dân sử dụng một số dịch vụ công phải “bôi trơn" mới được việc.

Có người khi xin phép xây dựng nhà, đến phường họ đưa ra đủ lý do như trong diện quy hoạch. Và khi chứng minh được thửa đất nằm ngoài quy hoạch thì lại có lý do khác như chưa có đường thoát nước, bản vẽ chưa đủ… dù đã rất đầy đủ, đến khi “lót tay” thì mọi sự mới qua.

Tham nhũng vặt biến thành một thứ “lệ ngầm” mà khi không thực hiện người dân tin là không được việc, không yên tâm. Thực tế, có những câu chuyện như muốn có bác sĩ tốt mổ cho cũng phải “lo lót”, khi mổ xong phải “cám ơn”. Rồi khi không biết "lót bao nhiêu" thì có người đi trước “rỉ tai”. Tương tự như ở trong cơ quan, bệnh viện, trường học… muốn được việc này, việc kia hay muốn chuyển đổi công việc phù hợp cũng phải “bôi" mới "trơn”.

Thậm chí nhiều loại tham nhũng vặt ăn sâu đến mức người dân coi là bình thường. Khi mua bán giao dịch cũng phải có % gọi là “hoa hồng”. Người đi mua cho đơn vị, cơ quan đều được người bán trích %, nếu không có thì không mua. Thậm chí mua đắt cũng chẳng sao miễn là có % cao.

Những từ như “lo lót”, “bôi trơn”, “bồi dưỡng” hay “cám ơn” hiện nay là phổ biến, thành một thứ “văn hoá” đáng xấu hổ trong xã hội văn minh nhưng ở ta thì được xem là chuyện thường ngày.  

Thực tế nhiều chuyện cụ thể đã được nêu, như đi làm gì cũng phải phong bao phong bì, lót tay, gợi ý. Tham nhũng vặt như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn.

Những cái cho là “vặt” ấy lại không “vặt” chút nào. Tham nhũng nhỏ làm được thì lớn cũng dám làm. Nhiều vụ án phát hiện từ nước ngoài vì cái % đáng xấu hổ ấy đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư như vụ án Đại lộ Đông - Tây ở TP.HCM.

Vặt nhưng sẽ trở thành vấn nạn khi nó tích tụ lại, lan ra và bùng phát. Đó cũng là quy luật khi lượng đổi dẫn đến chất đổi, giống như tổ kiến trong lòng đê mà như người xưa đã ví, nhiều tổ kiến như vậy sẽ làm toang, vỡ.

Chúng ta đã và đang phòng, chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả. Nhưng phòng, chống tham nhũng vặt cần được đánh giá đứng múc và phòng chống xứng tầm.

Thúc đẩy cải cách hành chính, minh bạch là một trong những giải pháp, là hướng đi đúng, góp phần làm thông thoáng, nhanh gọn về thủ tục, hạn chế tiếp xúc, sử dụng tiền mặt, ít nhiều có hiệu quả trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Rồi giải pháp từ chuyển đổi số, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là giải pháp cần được triển khai quyết liệt để tạo chuyển có những chuyển biến tích cực.

Lãnh đạo cấp cao cũng đã khẳng định: “Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ ràng, không chỉ giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp mà thanh toán không dùng tiền mặt còn thúc đẩy minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, rửa tiền, chống tội phạm kinh tế”.

Đó là việc đã làm được trong số nhiều việc còn phải làm trong việc phòng, chống tham nhũng vặt mà chúng ta cần phải tiến hành với tinh thần không khoan nhượng.

Nguyễn Đăng Tấn