Chiều nay (28/10), Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý III năm 2022. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho hay, trong quý 3, Bộ đã bám sát, thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ đã đề ra tại kế hoạch công tác, chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước.

Từ tháng 1/10/2021- 30/9/2022 đã thi hành án xong 539.290 việc, tăng 44.785 việc, đạt tỷ lệ 82,50% (tăng 6,67% so với cùng kỳ năm 2021), với tổng số tiền thi hành án xong trên 75 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 45,42% (tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2021).

Đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong trên 6 nghìn việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng.

Đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, đã thi hành xong gần 1.900 việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng (tăng 290,51% so với cùng kỳ năm 2021).

Buổi họp báo của Bộ Tư pháp. Ảnh: T.Nhung

Đại diện Cục thi hành án dân sự cho hay, đạt được kết quả thi hành án như trên thể hiện sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống thi hành án dân sự (THADS) và công tác phối hợp với các cơ quan liên quan. 

Theo người đại diện Cục THADS, thời gian qua, Cục THADS đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đã gửi tên của đương sự trong vụ án hình sự xuống các địa phương để rà soát ra thông tin đăng ký tài sản tại các cơ quan đăng ký tài sản, từ đó lọc ra xem có tài sản bị che giấu không.

Trên cơ sở đó đã tìm thấy rất nhiều các tài sản mà đương sự che giấu ở nhiều địa phương khác nhau, để rồi từ đó thu hồi tài sản tốt hơn.

Liên quan đến bất cập trong công tác thi hành án, người đại diện Cục THADS cho rằng, trong các vụ án về tham nhũng, đối tượng phạm tội có kiến thức cao, thủ đoạn và hành vi cũng cực kỳ tinh vi, cũng có người tẩu tán tài sản. 

Vấn đề bất cập là chúng ta chưa có luật để đăng ký tài sản nên tài sản của người phạm tội tham nhũng có thể chuyển cho con, cho bố, mẹ, là những người không thuộc diện phải kê khai tài sản, nên rất khó để xử lý.

Ngoài ra, trong các vụ án tham nhũng, một số bản án khi tuyên phần xử lý tài sản chỉ dựa theo lời khai của đương sự. Quá trình điều tra, CQĐT tập trung việc chứng minh tội phạm nên công tác về xử lý tài sản chưa thực sự để tâm. CQĐT thực hiện việc kê biên tài sản, nhưng trên thực tế, tài sản của tội phạm tham nhũng lại khác với tài sản bị kê biên.

Người đại diện Cục THADS cũng cho rằng, thời gian gần đây, việc xử lý tài sản giữa cơ quan thi hành án và các cơ quan tiến hành tố tụng đã ngày càng tốt hơn. 

Bộ Tư Pháp cũng đã có văn bản góp ý đối với 58 điều ước quốc tế, thẩm định 8 điều ước quốc tế; cấp 1 ý kiến pháp lý; đàm phán vòng 2 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Lào; tiếp tục thực hiện vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế, tham gia các hoạt động ký kết, thực hiện điều ước quốc tế…