Được doanh nghiệp mời tham quan mô hình trồng nấm dược liệu, hàng chục nông dân ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị lừa mua thực phẩm chức năng đến ‘cháy túi’.

Chuyến tham quan mô hình đầy thất vọng

Sau khi được Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) mời đi tham quan mô hình trồng nấm dược liệu tại huyện Đông Hòa (Phú Yên) thông qua các cấp Hội nông dân của huyện Tuy Phước (Bình Định) trở về, hàng chục nông dân ở xã Phước Hiệp cứ ấm ức vì vừa dính cú lừa đau đớn.

Nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) tại buổi hội thảo chuyển giao công nghệ sản xuất nấm công nghệ cao ở Phú Yên. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) tại buổi hội thảo chuyển giao công nghệ sản xuất nấm công nghệ cao ở Phú Yên. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Hôm ấy là ngày 2/4, đang lúc cánh đồng lúa ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) bị đợt mưa lớn bất ngờ xảy ra từ ngày 31/3 đến ngày 1/4 xô ngã, ngập chìm trong nước, thì 78 nông dân ở địa phương này được Hội nông dân xã Phước Hiệp mời đi tham quan mô hình trồng nấm dược liệu tại xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên). Thư mời đến tay nông dân ghi rõ là chuyến tham quan miễn phí, nông dân được chuyển giao công nghệ sản xuất nấm ăn gia đình, nấm đông trùng hạ thảo, nấm xuất khẩu, nấm trồng theo mô hình VỉeGAP mà không tốn đồng tiền phí nào, hấp dẫn nhất là sau khi nông dân sản xuất nấm sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Làm lúa với thu nhập “của ruộng đắp bờ”, khi được mở ra hướng làm ăn mới, 78 nông dân xã Phước Hiệp bỏ mặc những đám ruộng ngập trong nước, hồ hởi lên đường. Khi vào đến Phú Yên, nông dân được doanh nghiệp nói trên đưa đến mô hình trồng nấm của 1 HTX sản xuất nấm công nghệ cao có quy mô khá tềnh toàng.

Giấy mời nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) tham quan mô hình sản xuất nấm công nghệ cao. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Giấy mời nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) tham quan mô hình sản xuất nấm công nghệ cao. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Ông Trần Thanh Hải (48 tuổi) ở thôn Giang Nam (xã Phước Hiệp), người có mặt trong đoàn tham quan, kể: “Gia đình tôi có 100m2 đất vườn thừa trước giờ nuôi gà, thời gian gần đây nuôi gà không hiệu quả. Nghe Hội Nông dân xã mời đi tham quan mô hình trồng nấm dược liệu miễn phí tôi mừng quá tham gia ngay. Khoảng 10 giờ 20 phút ngày 2/4 xe đoàn tham quan vào đến trại sản xuất nấm do doanh nghiệp giới thiệu. Tôi thoáng thấy thất vọng bởi trại sản xuất nấm quá tồi tàn, mô hình không có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ có mấy người đại diện cho doanh nghiệp giới thiệu đây là mô hình trồng nấm bào ngư xám. Ở trại nấm khoảng 20 phút thì đoàn tham quan được doanh nghiệp đưa về 1 khách sạn ăn trưa rồi vào hội trường dự hội thảo”.

Nông dân bị đưa vào “mê hồn trận”

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, nói là hội thảo chuyển giao công nghệ sản xuất nấm công nghệ cao mà chuyện trồng nấm chỉ được nói thoáng qua, phần lớn thời gian sau đó là màn múa may của những người đại diện cho doanh nghiệp giở “chiêu lừa” bán những loại thực phẩm chức năng có giá từ 500.000đ-2,5 triệu đồng/món.

Ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp, người cũng được mời đi tham quan, kể chi tiết chiêu trò bán hàng của doanh nghiệp: Đầu tiên, người dẫn chương trình đưa ra món thuốc hoạt huyết dưỡng não bảo là có giá trị 80.000đ-90.000đ/hộp, nhưng giờ chỉ bán 50.000đ/hộp, bà con nào mua thì giơ tay lên. Sau khi mua, doanh nghiệp trả lại tiền cho nông dân và bảo đó là quà tặng. Tiếp đến, 1 món thuốc khác lại được đưa ra bảo là có giá trị 200.000đ/hộp, nhưng giờ chỉ bán 100.000đ/hộp bà con nào mua giơ tay lên và chiêu trò cũ được lặp lại, nông dân mua thuốc lại được trả lại tiền.

Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao tại xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) mà nông dân xã Phước Hiệp được đưa đi tham quan học tập. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Mô hình sản xuất nấm công nghệ cao tại xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) mà nông dân xã Phước Hiệp được đưa đi tham quan học tập. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Ông Thăng kể tiếp: Đến món hàu biển họ bảo có giá 3 triệu đồng/hộp, giờ chỉ bán 2,5 triệu nhưng số lượng có hạn, ai muốn mua thì đăng ký nhanh. Sau khi 1 số nông dân đăng ký mua thì họ hỏi là “bà con mua vì sức khỏe hay vì muốn nhận quà”, bà con nói mua vì sức khỏe, nhưng sau đó họ cũng trả lại tiền và lại bảo đó là quà của doanh nghiệp. Kế đến họ đưa ra món thuốc chữa bại liệt có giá 3 triệu nhưng chỉ bán 2,5 triệu cũng với chiêu giục bà con đăng ký nhanh chứ sản phẩm có hạn. Sau khi thu tiền của bà con đăng ký mua thì họ dừng lại, giới thiệu tiếp sản phẩm đông trùng hạ thảo và thuốc nhức mỏi, 2 món này không tặng mà chỉ bán từ 200.000đ-400.000đ/món. Sau đó họ nhắc lại món thuốc đã thu tiền trước đó và bảo là ai không đủ tiền 2,5 triệu mà chỉ có 1,5 triệu vẫn đăng ký mua được.

Nông dân bị lừa mua thuốc, thực phẩm chức năng tại buổi hội thảo. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Nông dân bị lừa mua thuốc, thực phẩm chức năng tại buổi hội thảo. Ảnh: Nông dân cung cấp.

“Bà con háo hức đăng ký mua là bởi cứ tưởng như những lần trước là được trả lại tiền. Nhưng lần này họ bảo không trả lại tiền mà đưa thêm 1 phần quà có giá trị 3 triệu đồng. Như vậy người mua hàng đưa 2,5 triệu đồng và nhận về 2 món thuốc có giá trị đến 6 triệu theo như họ nói. Trong khi bà con đang còn ngơ ngác thì họ rút đi thật nhanh, vậy là buổi hội thảo kết thúc”, ông Phạm Long Thăng chua chát nói.

Mất lòng tin

Qua tìm hiểu, trong số 78 nông dân xã Phước Hiệp đi tham quan mô hình trồng nấm do Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao tổ chức tại tỉnh Phú Yên có khoảng 40 người mua hàng của doanh nghiệp, mỗi người mất đứt 2,5 triệu đồng để nhận về những loại thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Nói về vụ việc trên, bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, cho biết: “Người đại diện cho doanh nghiệp đến làm việc với tôi về vấn đề tổ chức tham quan mô hình tên là Toàn, anh này bảo là đã thông qua Hội Nông dân huyện Tuy Phước. Tôi có gọi điện cho anh Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phước hỏi ý kiến thì được bảo là tìm hiểu xem sao rồi tổ chức cho nông dân đi tham quan, học hỏi để địa phương đa dạng hóa sản xuất, tạo thu nhập cho bà con. Sau đó tôi có báo cáo cho Đảng ủy, UBND xã và làm tờ trình tổ chức chuyến tham quan vào ngày 2/4 vừa qua”.

1 sản phẩm nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị lừa mua trong chuyến tham quan. Ảnh: Nông dân cung cấp.

1 sản phẩm nông dân xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị lừa mua trong chuyến tham quan. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Cũng theo bà Phượng, người đại diện cho doanh nghiệp “quảng cáo” rất kêu là đơn vị này đã hỗ trợ cho nhiều địa phương phát triển nghề trồng nấm công nghệ cao, giờ muốn tạo điều kiện để nông dân xã Phước Hiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất để tạo thêm thu nhập. Không ngờ những lời ngon ngọt ấy chỉ là “chiêu lừa” để bán hàng đa cấp, giờ vỡ lẽ ra Hội Nông dân xã Phước Hiệp không biết ăn nói với bà con như thế nào.

Trong khi đó, đối với nông dân xã Phước Hiệp thì hầu như đã mất lòng tin về chuyện tham quan mô hình để học hỏi kinh nghiệm sản xuất. “Hiện nay, bán hàng đa cấp biến tướng rất nhiều hình thức, kể cả tổ chức hội thảo để lồng bán sản phẩm với giá trên trời. Điều đáng nói ở đây là chúng tôi được tổ chức hội đưa đi, để cuối cùng chẳng học tập được gì mà lại “cháy túi” vì bị lừa mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng không hiểu chất lượng như thế nào. Vụ việc xảy ra cho thấy Hội Nông dân xã Phước Hiệp quá lỏng lẻo trong việc xác minh đơn vị tổ chức tham quan trước khi đưa nông dân đi”, nông dân Trần Thanh Hải ở thôn Giang Nam, chia sẻ.

Kết quả chuyến tham quan là nông dân bị lừa mua những sản phẩm không biết nguồn gốc, chất lượng như thế nào. Ảnh: Nông dân cung cấp.

Kết quả chuyến tham quan là nông dân bị lừa mua những sản phẩm không biết nguồn gốc, chất lượng như thế nào. Ảnh: Nông dân cung cấp.

“Khi đi tham quan mô hình sản xuất nấm công nghệ cao ở xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên), 1 cán bộ HTX Nông nghiệp Phước Hiệp có chụp ảnh bảng hiệu có ghi số điện thoại của đơn vị mà nông dân đến tham quan. Sau vụ việc nông dân bị lừa mua hàng, anh này gọi vào số điện thoại trên bảng hiệu để xác minh thì được biết mô hình nói trên là trước đây là của 1 HTX ở địa phương, nhưng vì sản xuất không hiệu quả nên đã chuyển cho tư nhân nên họ không liên quan gì đến doanh nghiệp tổ chức tham quan gây bức xúc cho nông dân”, ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định), cho hay.

Theo Báo Nông nghiệp