“Ế” vì Covid-19

Năm 2020, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc được đồng ý xuất khẩu 2,05 triệu tấn than (trong đó TKV là 2 triệu tấn than cục và than cám 1, 2, 3; Tổng công ty Đông Bắc là 50.000 tấn than cục và than cám 1, 2, 3).

Tuy nhiên, theo báo cáo của TKV và Tổng công ty Đông Bắc, khối lượng than xuất khẩu ước thực hiện năm 2020 chỉ đạt khoảng 714.000 tấn (bằng 34,8% kế hoạch được Thủ tướng thông qua). Trong đó, TKV đạt khoảng 700.000 tấn; Tổng công ty Đông Bắc đạt khoảng 14 nghìn tấn.

{keywords}
Than phục vụ các nhà máy nhiệt điện khác với chủng loại than xuất khẩu.

Nguyên nhân chính của việc thực hiện xuất khẩu than cục, than cám 1, 2, 3 năm 2020 thấp hơn kế hoạch là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới suy thoái. Các khách hàng truyền thống là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, một số nước khu vực Đông Nam Á,... đều dừng hoặc cắt giảm mạnh sản xuất đối với một số ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng than của Việt Nam, đặc biệt là các hộ sản xuất thép Nhật Bản cắt giảm khoảng 30% sản lượng.

"Do vậy, việc xuất khẩu than nói chung và xuất khẩu than sang Nhật Bản nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề, khối lượng than xuất khẩu không đạt kế hoạch", TKV giải trình.

Năm 2019, TKV cũng chỉ xuất khẩu được một nửa khối lượng được cho phép với trên 1 triệu tấn. TKV giải thích là do là đến tháng 5/2019, kế hoạch xuất khẩu than mới được thông qua.

Dù vậy, TKV và Bộ Công Thương đều cho rằng việc xuất khẩu than mang lại nhiều lợi ích. 

Số liệu của TKV cho thấy: Năm 2017, tập đoàn xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn với doanh thu 180 triệu USD; năm 2018 xuất khẩu được trên 1,8 triệu tấn, thu về 249 triệu USD; năm 2019 xuất khẩu trên 1 triệu tấn, thu về 157 triệu USD. Năm 2020 dự kiến xuất khẩu 700.000 tấn, doanh thu khoảng 110 triệu USD và thị trường chủ yếu là Nhật Bản.

Về hiệu quả kinh tế của xuất khẩu than, Bộ Công Thương nêu rõ, theo dự báo của thị trường than thế giới, giá xuất khẩu than cám 1, 2, 3 của Việt Nam năm 2021 khoảng 121 USD/tấn (2.815.670 đồng/tấn) đối với than cám 1; khoảng 118 USD/tấn (2.745.860 đồng/tấn) với than cám 2; khoảng 107 USD/tấn (2.489.890 đồng/tấn) với than cám 3.

Theo báo cáo của TKV cuối tháng 9/2020, dự kiến giá bán than cám 1, 2, 3 cho các hộ tiêu thụ trong nước năm 2021 khoảng 2.605.000 đồng/tấn với than cám 1; khoảng 2.535.000 đồng/tấn với than cám 2; khoảng 2.440.000 đồng/tấn với than cám 3.

“Như vậy, nếu xuất khẩu than cám 1, 2, 3 thì giá trị kinh tế thu về sẽ cao hơn (khoảng 50.000-210.000 đồng/tấn) so với tiêu thụ tại thị trường trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Đề nghị được “mở cửa” xuất khẩu than

Trên cơ sở rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu than năm 2021, TKV kiến nghị xuất khẩu tối đa 1,5 triệu tấn than (than cục là 500.000 tấn; than cám 1, 2, 3 là 1 triệu tấn); Tổng công ty Đông Bắc kiến nghị xuất khẩu 50.000 tấn (than cục là 30.000 tấn; than cám 1, 2, 3 là 20.000 tấn).

“Nếu sử dụng than cám 1,2,3 cho sản xuất điện sẽ gây lãng phí rất lớn và không nâng cao được giá trị sử dụng tài nguyên than”, TKV lưu ý.

Theo ý kiến của Bộ Công Thương, kết quả cân đối cung - cầu than hiện nay cho thấy, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ dư thừa gần 2 triệu tấn/năm với các loại than cục, than cám 1, 2, 3 trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết. Đây là các loại than phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc... Như vậy, chủng loại và khối lượng than TKV và Tổng công ty Đông Bắc đề nghị xuất khẩu năm 2021 phù hợp với chủng loại và khối lượng than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết theo kết quả cân đối cung - cầu than hiện nay.

Từ phân tích trên, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét phê duyệt kế hoạch xuất khẩu than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc với khối lượng, chủng loại như hai đơn vị này đề xuất.

Đáng chú ý, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về kế hoạch xuất khẩu than dài hạn và trung hạn hồi cuối 9/2020, TKV cũng đề nghị giai đoạn trung hạn từ 2022-2025 được xuất khẩu 2 triệu tấn/năm; ngoài ra, xem xét báo cáo Chính phủ cho phép TKV tự cân đối xuất khẩu không cần xin hạn ngạch từng năm. TKV có trách nhiệm đăng ký khối lượng xuất khẩu than hàng năm tới Bộ Công Thương hoặc theo kế hoạch 5 năm 1 lần. Điều này để TKV chủ động ổn định kế hoạch sản xuất, mang lại việc làm cho lao động và có giá trị gia tăng cao.

Tại Hội thảo lần 2 Quy hoạch Tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tổ chức ngày 11/11, vấn đề này cũng được đại diện TKV và ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam (nguyên Chủ tịch TKV) kiến nghị.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An bày tỏ không hoàn toàn đồng tình.

Ông An cho rằng bàn về nhập khẩu và khai thác than trong nước là bài toán rất vĩ mô, không nên chỉ đưa tiêu chí giá ra xem xét. Bởi, nếu dùng tiêu chí giá để xem xét và quyết định thì thực sự góc nhìn không được toàn diện.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nghi ngại trước ý kiến cho rằng khi khai thác than xuống sâu, giá thành cao hơn nhiều so với nhập khẩu thì nên có định hướng cho nhập khẩu, kể cả phương án ngừng khai thác, đóng mỏ, chuyển đổi nghề cho lao động ngành than. Bởi, câu hỏi đặt ra là tình hình sẽ ra sao khi thị trường thế giới biến động, việc nhập khẩu than khó khăn, lực lượng lao động ấy có đủ năng lực quay lại hầm lò hay không.

“Đó là bài toán hết sức vĩ mô, giá chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện thôi”, ông Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Lương Bằng

Xin xuất khẩu than thoải mái: Vị Thứ trưởng nói điều lo ngại

Xin xuất khẩu than thoải mái: Vị Thứ trưởng nói điều lo ngại

Ngành than muốn được mở cửa cho xuất khẩu than loại tốt vì trong nước chưa dùng hoặc dùng không hết loại than này. Song, Thứ trưởng Bộ Công Thương vẫn lo ngại điều khác.