Tài năng vẹn toàn
Lý Thái Bác (sinh năm 1992, ở quận Phúc Đài, Bắc Kinh) được mệnh danh là “ông hoàng” toán học của Trung Quốc. Anh sinh ra trong một gia đình tri thức, do đó, bố mẹ luôn quan tâm đến việc học của Lý Thái Bác.
Khi đi học, Lý Thái Bác là học sinh xuất chúng. Anh đam mê đọc sách và có thể ngồi hàng giờ để tự nghiên cứu. Mẹ Lý Thái Bác chia sẻ: "Bác đọc rất nhiều sách, trong đó có cả sách về triết học".
Bên cạnh việc đọc sách, thần đồng toán học có nhiều sở thích như vẽ, chơi piano, sáng tác nhạc. Không chỉ học giỏi, Lý Thái Bác còn là lớp trưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội học sinh của trường.
Phó Hiệu trưởng trường Trung học Đại nhân - ông Thẩm Hiến Chương - nhận xét Lý Thái Bác là một học sinh toàn năng, học giỏi, ngoan ngoãn và có khả năng lãnh đạo tốt.
Lý Thái Bác 3 lần đoạt giải nhất trong kỳ thi Olympic Toán toàn quốc nên được tuyển thẳng vào khoa Toán Đại học Bắc Kinh.
Cơn ác ác mộng của thủ khoa Đại học
Năm 2010, Lý Thái Bác là thủ khoa của mùa thi, anh trở thành tâm điểm của truyền thông khi đạt 703/750 điểm trong kỳ thi Đại học (Cao khảo). Với số điểm này, anh nhận được lời mời của trường Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh.
Trái ngược với sự kỳ vọng của mọi người, Lý Thái Bác có lựa chọn khiến ai cũng bất ngờ. Thay vì nhập học một trong hai trường trên, anh quyết định nộp hồ sơ du học, nhưng bị 11 đại học hàng đầu ở Mỹ từ chối, trong đó có đại học Harvard và Yale.
Kết quả này khiến anh như đang rơi xuống vực thẳm. Sau một đêm, Lý Thái Bác trở thành đề tài bị chỉ trích. Nhiều người cho rằng, thần đồng toán học là nạn nhân của nền giáo dục thi cử ở Trung Quốc.
Theo tờ Melbourne Today, anh là “mọt sách”, điểm cao nhưng năng lực thấp, sính ngoại. Thậm chí, có bình luận còn xúc phạm gia đình của Lý Thái Bác, cho rằng họ đang nuôi dưỡng đứa con không bình thường.
Tự nhận sai
Đối mặt với những lời chỉ trích, Lý Thái Bác thừa nhận bản thân chủ quan. Anh chỉ ra nguyên nhân bị 11 đại học hàng đầu ở Mỹ từ chối.
Thứ nhất, Lý Thái Bác bắt đầu muộn: “Đầu năm lớp 11, tôi mới có ý thức chuẩn bị nộp hồ sơ du học. Đối với những bạn cùng lứa thành công, thời điểm này có thể sớm hơn 5 năm”.
Thứ hai, điểm SAT (kỳ thi tuyển sinh đại học Mỹ) của anh thấp: “Tôi chỉ đạt 710/2240 điểm và 11 điểm cho phần CR (câu hỏi đọc hiểu) và Essay (bài luận) mà các trường ở Mỹ rất coi trọng”.
Thứ ba, kết quả của cuộc thi AMC-AIME (cuộc thi đa cấp độ do Hiệp hội Toán học Mỹ tổ chức) không phải là sự lựa chọn tốt nhất để xét tuyển vào những đại học hàng đầu của Mỹ.
Cuối cùng, Lý Thái Bác thừa nhận quyết định nộp hồ sơ du học là nóng vội: “Tôi đã nộp hồ sơ trái với nguyện vọng của bản thân. Thậm chí tôi cũng hiểu sai cả phương thức xét tuyển của những trường này”.
Biết ơn vì bị từ chối
Chấp nhận thực tế, Lý Thái Bác quyết định chọn Đại học Hong Kong, Trung Quốc (HKU) để học. Tuy nhiên, để được vào trường này, Lý Thái Bác phải học trước 1 năm ở Đại học Thanh Hoa.
Trong thời gian đó, anh tận dụng thời gian rảnh để học. Kết quả, Lý Thái Bác được nhận vào HKU với suất học bổng toàn phần trị giá hơn 15 tỷ đồng.
Sau 2 năm học tập chăm chỉ, năm 2012, Lý Thái Bác nhận được lời mời từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) học lên thạc sĩ. Theo tờ 163, MIT là một trong những trường trước đó từ chối anh.
Khi đối diện với câu hỏi: "Bạn nghĩ gì việc bị từ chối cách đây 2 năm?", Lý Thái Bác thẳng thắn trả lời: "Tôi cảm thấy biết ơn vì bị từ chối. Nếu năm đó, tôi không bị từ chối, thì sẽ không có tôi của hiện tại".
Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học máy tính tại MIT, Lý Thái Bác quyết định chuyển hướng học Y khoa.
Anh tiếp tục nộp hồ sơ vào 17 trường đại học, trong đó có một nửa đã gửi giấy báo nhập học, bao gồm cả những trường đã từ chối anh năm 2010 như Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học Pennsylvania,...
Tuy nhiên, lần này Lý Thái Bác lựa chọn Đại học Johns Hopkins để lấy bằng tiến sĩ kép về Y học và Triết học. Trong thời gian học tại đây, anh xuất bản thành công nhiều bài báo học thuật trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature Methods.
Trở thành nhà nghiên cứu Y học
Sau 13 năm nỗ lực, hiện Lý Thái Bác là một nhà nghiên cứu Y học về mối quan hệ chức năng gen và cơ chế gây ra bệnh tật ở người. Thất bại trước đó là động lực để anh vượt qua nỗi sợ của bản thân và những lời chỉ trích để đi tìm tương lai tốt đẹp hơn.
Đối với thành công hiện tại, Lý Thái Bác cho biết: “Khi biết mình bị hơn 10 trường đại học Mỹ từ chối, lúc đó tôi đã nghĩ đến chuyện có lẽ cả đời này mình chỉ là cái bóng, trở thành trò cười cho người khác. Nếu cứ như vậy, tôi không thể chịu được, tôi không ngờ bản thân lại được như ngày hôm nay”.
An Dương