"Phép lai" tính toán
Philippa Schuyler là "thành quả" duy nhất của cuộc hôn nhân liên chủng tộc nổi tiếng trong thời kỳ Phục hưng Harlem - giữa nhà báo da đen người Mỹ gốc Phi George Schuyler và nghệ sĩ kiêm nhà báo người Texas da trắng Josephine Cogdell.
Thời kỳ Phục hưng Harlem là giai đoạn hồi sinh và làm mới trí tuệ, văn hóa (âm nhạc, văn học, nghệ thuật, thời trang) và chính trị của người Mỹ gốc Phi tập trung ở khu dân cư Harlem, Manhattan và thành phố New York trong những năm 1920 và 1930. |
Do xuất thân từ nông nghiệp, cha mẹ Schuyler đã áp dụng lý thuyết nông nghiệp cho việc sinh con rằng việc lai các dòng di truyền khác nhau sẽ tạo ra những thế hệ con ưu việt được gọi là “ưu thế lai”.
Họ cũng tin rằng sự bất hòa về chủng tộc ở Mỹ có thể được khắc phục thông qua việc tạo ra những đứa trẻ "liên chủng tộc" như vậy.
Phillippa Schuyler, vì vậy, đã gánh vác trách nhiệm nặng nề ngay từ khi chưa sinh ra.
Cách nuôi con "lập dị"
Bất chấp khả năng thiên phú của Schuyler, cha mẹ không muốn dùng từ "thần đồng" để miêu tả con gái. Họ cho rằng tài năng của cô là do “di truyền lai, dinh dưỡng hợp lý và giáo dục chuyên sâu”.
|
Trong ba năm trước khi sinh Schuyler, mẹ cô chỉ ăn thực phẩm tự nhiên và thô, tránh thịt, thực hiện chế độ thư thái cho cơ thể và tâm trí thanh lọc để chuẩn bị sinh một đứa con "xuất chúng".
Bà còn tin rằng thiên tài có thể được phát triển tốt nhất bằng chế độ ăn uống chỉ bao gồm thực phẩm thô bởi nấu chín sẽ phá hủy hàm lượng vitamin.
Do đó, Schuyler lớn lên với chế độ ăn kiêng chủ yếu bao gồm mầm ngũ cốc, cà rốt sống, đậu Hà Lan, sữa chưa tiệt trùng và bít tết sống.
Cô được cho ăn dầu gan cá tuyết và lát chanh thay cho đồ ngọt mỗi ngày. Rượu, thuốc lá hay đường chưa từng xuất hiện trong nhà Schuyler.
Không phụ kỳ vọng
Phillippa Schuyler trên thực tế đã trở thành một đứa trẻ thần đồng có tài năng phi thường. Cô được giáo dục tại nhà bởi các gia sư, đồng thời, gia đình không cho Schuyler tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa.
Với chỉ số IQ 185, cô có thể đọc và viết khi mới hai tuổi rưỡi và bắt đầu chơi piano khi mới ba tuổi.
Năm 4 tuổi, Schuyler đã sáng tác và biểu diễn trên đài phát thanh khi mới 5 tuổi.
Năm 8 tuổi, cô đã biểu diễn với một số dàn nhạc giao hưởng ở Mỹ và Châu Âu.
|
|
|
Ở tuổi 13, Schuyler có hơn 100 tác phẩm piano được giới phê bình và công chúng yêu nghệ thuật ghi nhận.
Schuyler được trao một số giải thưởng, bao gồm giải nhất cuộc thi quốc gia Harmonica dành cho lứa tuổi thiếu niên (1933) và giải nhất cuộc thi piano của Hiệp hội nhạc sĩ da đen quốc gia (1935).
Ngoài tài năng âm nhạc, Schuyler còn được biết đến với sự thông minh và linh hoạt. Cô thông thạo bốn ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Schuyler đồng thời được công nhận rộng rãi về kỹ năng viết lách và báo chí. Cô đã sử dụng xuất thân của mình để thúc đẩy quyền của phụ nữ và người Mỹ gốc Phi. Các tác phẩm của cô đã được khán giả cũng như các nhà phê bình ca ngợi rộng rãi.
"30 năm khốn khổ ở Mỹ"
Tuy vậy, khi lớn lên, Schuyler gặp phải định kiến về chủng tộc mà trước đây cô được gia đình che chở.
Bị trong nước kỳ thị, cô phải biểu diễn piano ở nước ngoài. Schuyler đã lưu diễn đến hơn 80 quốc gia, biểu diễn trước nguyên thủ các nước, trừ chính quê hương của mình.
Dành thời gian đáng kể những năm cuối đời ở nước ngoài, Schuyler cố gắng tìm kiếm một "quê hương" thay thế, nơi cô có thể tìm thấy sự thoải mái và được chấp nhận.
“Tôi đã có 30 năm khốn khổ ở Mỹ vì bị ám ảnh bởi 'sự tò mò kỳ lạ', mọi người luôn soi xét tôi."
Sau đó, Schuyler trở thành phóng viên. Cô qua đời ở tuổi 35 trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng.
Mẹ Schuyler đã bị chấn thương sâu sắc trước sự ra đi của con gái. Bà đã tự sát vài ngày trước lễ giỗ thứ hai của cô.
Trường trung học dành cho những người có năng khiếu và tài năng Philippa Schuyler ở vùng Bushwick, quận Brooklyn, thành phố New York được đặt tên theo Schuyler để vinh danh đóng góp nghệ thuật của người nghệ sỹ piano đầy tài năng nhưng bạc phận này.
Bảo Huy