Từ một phương tiện đi lại đắt tiền, kỹ thuật cao chiếc Boeing được gắn cái tên đẹp - “Air Dream” (giấc mơ bay) hỏng đột ngột, bị bỏ rơi tại Nội Bài suốt 10 năm, giờ thì người ta muốn thanh lý nó để làm quán cà phê cũng không xong.

Sự việc chiếc Boeing 727 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài lần đầu tiên được nhà báo Đình Thắng (Ban Kinh tế - Báo Tiền Phong) nêu ra vào tháng 10 năm 2008.

Lúc đó, trên trang web về các hãng hàng không trên thế giới, trong phần thư viện ảnh các loại máy bay của các hãng hàng không có treo ảnh về chiếc máy bay này nổi bật dòng chữ “Air Dream” với lời chú thích: Có ai biết lai lịch về hãng hàng không này hoặc chiếc máy bay này không? Có hơn 4.000  người đã “view” (xem) ảnh máy bay này và không để lại lời bình nào.

{keywords}
Chiếc Boeing bạc màu, cũ kỹ sau 10 năm phơi nắng tại Nội Bài

Phải qua nhiều đầu mối, thông tin về phương tiện lớn, có thể chở hơn 100 người này, mới dần dần được làm rõ. Cục Hàng không xác nhận, chiếc máy bay này bị hỏng và nằm tại Nội Bài từ tháng 5/2007.

Trên thân tàu bay, dưới dòng chữ “Air Dream” chạy dọc thân máy bay là dòng chữ nhỏ “Operated by R.K.A” (hoạt động bởi Royal Khmer Airlines) và số đăng ký máy bay “XU-KKJ”- mã hiệu của Campuchia.

Cục Hàng không Việt Nam cho hay, cơ quan chức năng Campuchia đã xóa tên trong sổ đăng ký tàu bay của máy bay này. Phía Cụm cảng Hàng không miền Bắc lúc đó cũng cho biết, hãng hàng không này mới chỉ thanh toán một khoản phí nhất định.

Theo các chuyên gia hàng không, việc máy bay bỏ rơi tại sân bay cũng đã từng xảy ra nhưng không nhiều (tại Singapore cũng xảy ra trường hợp một chiếc máy bay bị để lại, phí trông giữ tàu bay đã cao hơn giá trị tàu bay). Thông thường, một chiếc tàu bay bị hỏng sẽ được hàng hàng không khắc phục đưa về chỉ trong vài tuần.

Việc tìm chủ nhân chiếc máy bay bỏ rơi tại Nội Bài cũng không dễ dàng. Từ khi chiếc máy bay được để lại, đại diện Royal Khmer Airlines tại Việt Nam là một người tên Hào. Trong các biên bản hỏng hóc máy bay, vẫn thường có chữ ký của anh Hào. Tuy nhiên, khi đó, PV liên lạc với người này yêu cầu gặp trực tiếp để tìm hiểu sự việc, liền bị từ chối.

Theo Cục Hàng không VN, trong hồ sơ gửi tới, hợp đồng bảo hiểm và trách nhiệm dân sự đối với máy bay của R.K.A có đề cập đến tên “Air Dream Korea”.

Theo phỏng đoán của các chuyên gia hàng không thì đây có thể là một công ty du lịch có mối quan hệ làm ăn với R.K.A để khai thác chuyến bay giữa Campuchia tới Incheon hoặc Seoul (Hàn Quốc). Từ đây có thể hiểu cho việc xuất hiện dòng chữ “Air Dream” trên thân máy bay với bản hợp đồng bảo hiểm giữa Air Dream Korea và R.K.A.

Cũng vào năm 2008, PV đã tìm kiếm về hãng này trên mạng. Có một trang web về hãng hàng không trùng tên nhưng thông tin sơ sài. Ngay giao diện chính hiện dòng chữ kèm bản đồ bay “We’ll continue serving you in the skies” (tạm dịch là “Chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ quý vị”).

Trụ sở hãng này ở 36B, 245 Đại lộ Mao Trạch Đông (Mao Tse Toung), Sangkat Boeung Trabek, Khan Chamkamom, Phnom Penh (Campuchia). Lịch bay ghi rõ thời điểm bay đã cũ (từ 10/11/2006 đến 24/3/2007), trong đó có đường bay Xiêm Riệp - Hà Nội. Cho đến nay, truy cập lại trang web này thông tin vẫn như vậy, lịch bay của hãng vẫn chỉ được cập nhật đến năm 2007.

Cục Hàng không Việt Nam cũng nhiều lần trao đổi với đại diện của hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố và di dời tàu bay. Tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó thông báo: Cục hàng không Việt Nam có thể xử lý tàu bay này theo pháp luật Việt Nam.

Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 này.

Cục Hàng không xác nhận, máy bay Boeing 727 này đã hết khả năng bay và không thể khôi phục để phục vụ vận tải hàng không.

Chi phí bán chiếc máy bay sẽ đưa về ngân sách Nhà nước, sau đó ưu tiên cho các khoản chi phí như chi phí triển khai công tác đấu giá, chi phí sân đỗ của máy bay tại sân bay Nội Bài (ước tính đã lên tới hơn 10 tỷ đồng).

Một số phương án xử lý cũng đã được đưa ra như: Học viện Hàng không xin chiếc máy bay dùng để làm giáo cụ nhưng không được chấp nhận vì liên quan đến việc xử lý phí dịch vụ cho đơn vị trông giữ tàu là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

Sau đó, phương án đấu giá công khai để thu hồi phí trông giữ tàu bay đã được triển khai. Ngày 12/7/2017, chiếc máy bay được mở của sau 10 năm. Trái với vẻ ngoài bụi bẩn, cũ kỹ, bên trong tàu bay vẫn ngăn nắp, sạch sẽ, tài liệu bay của phi công vẫn còn nguyên ngoại trừ một số mặt nạ dưỡng khí bị bung ra.

Theo các chuyên gia hàng không, chiếc máy bay này đã có tuổi thọ vài chục năm, tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu. Trên thế giới chỉ còn Hoa Kỳ dùng loại máy bay này để khai thác nội địa (vì chế độ bảo trì tốt).

Tuy nhiên, trao đổi với PV mới đây, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho hay, thời gian qua, dù Cục Hàng không công khai mời gọi các đơn vị có chức năng thẩm định giá nhưng không đơn vị nào nhận lời.

Các đơn vị thẩm định giá trong nước từ chối vì họ chưa có kinh nghiệm và chiếc máy không còn chức năng chính - một phương tiện hàng không mà chỉ còn chức năng trừng bày, làm quán cà phê...

Ông Thắng cũng cho hay, việc mời các tổ chức định giá nước ngoài cũng không được tính đến vì khả năng "tiền định giá cao hơn giá trị tàu bay"

Chính vì vậy, Cục Hàng không đang xem xét khả năng sử dụng tàu bay này vào mục tiêu khác. Cụ thể, hiện Cảng Hàng không Nội Bài (thuộc Tổng công ty Cảng Hàng không) đơn vị đang trực tiếp trông giữ tàu bay này đã có đơn gửi cục Hàng không đề nghị giữ lại chiếc tàu bay này để phục vụ công tác diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, dụng cụ huấn luyện.

Tuy nhiên, việc quyết định “số phận” của chiếc tàu bay này vẫn đang phải chờ một số cuộc họp, thảo luận sắp tới.

(Theo Tiền Phong)