Cuối tháng 2 này, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng phương án tăng giá điện năm 2015. Kế hoạch này đã được đẩy sớm lên 1 tháng so với các chỉ đạo của Chính phủ trước đây.
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2 này.
Điều này được nêu tại kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa qua.
Như vậy, việc Bộ Công Thương phải trình phương án tăng giá điện năm 2015 đã được đẩy sớm hơn một tháng so với các chỉ đạo trước đây của Chính phủ.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng lưu ý, trong đợt tăng giá điện lần này, cần ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện điện để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Qua đó, Tổng công ty có thể bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải.
Trong 3 năm gần đây, trong khi các công ty điện đa số đều có lãi thì riêng Tổng công ty truyền tải điện vẫn bị lỗ. Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn.
Năm 2015, Tổng công ty Truyền tải điện dự kiến đầu tư 19.515 tỷ dồng, tăng 1.500 tỷ đồng so với năm trước với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành 72 dự án, trong đó có 12 dự án lưới 500kV và 60 dự án lưới 220kV.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, năm 2013, giá thành sản xuất điện năm 2013 là 1.473,8 đồng/kWh.
Trong đó, giá thành khâu truyền tải là 79,8 đồng/kWh, khâu phân phối bán lẻ điện là 251,97 đồng/kWh, khâu phát điện chiếm lớn nhất là 1.135,57đồng/kWh, khâu phụ trợ có giá là 6,47 đồng/kWh.
Trên thực tế, EVN đã xây dựng kịch bản giá điện năm 2015 và đã trình Bộ Công Thương nhưng phương án cụ thể như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Bộ Công Thương chỉ mới thừa nhận có phương án trình mức tăng 9,5% và khẳng định không tăng giá trước Tết Nguyên đán.
Theo khung giá điện bình quân đã được Thủ tướng duyệt, năm nay, mức giá bán lẻ tối đa được phép tăng sẽ là 1.835 đồng/kWh, tăng 21,6% so với hiện nay. Tuy nhiên, nếu EVN muốn tăng giá điện trên 10% thì sẽ phải do Thủ tướng phê duyệt và mỗi lần tăng giá điện phải cách nhau 6 tháng.
Ngoài ra, tại thông báo trên, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3 các giải pháp để bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Phạm Huyền