Để thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá đã phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ thôn, khu phố. 

Đảng ủy các xã, thị trấn đã phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các thôn, khu phố và dự sinh hoạt chi bộ theo quy định nhằm kịp thời động viên, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của đảng viên, đồng thời nắm chắc tình hình chi bộ và chất lượng sinh hoạt chi bộ. 

Ở huyện Nông Cống, phần lớn bí thư chi bộ thôn, khu phố là những đảng viên có uy tín, bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ, kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Đảng. 

anh chup man hinh 2023 11 23 luc 095316.png
Nét đẹp nông thôn mới ở huyện Nông Cống, Thanh Hoá.

Trong sinh hoạt, các đồng chí bí thư chi bộ thôn đã thực hiện đầy đủ nguyên tắc, tổ chức sinh hoạt Đảng theo Điều lệ Đảng và quy chế hoạt động của chi ủy, chi bộ. Các chi bộ luôn coi trọng việc đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới trong các kỳ sinh hoạt. Căn cứ vào tình hình thực tế của thôn, khu phố, chi bộ chọn việc phù hợp, xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề, tập trung chỉ đạo ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân. Từ đó thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Hay như ở xã Bình Lương, huyện Như Xuân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, huy động nội lực là chính, tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”...

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các xã phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép với các hội nghị, cuộc họp của xã, thôn, chi hội, đoàn thể...

Ngoài ra, Đảng ủy, chính quyền xã Bình Lương cũng đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” nhằm thu hút, tập hợp hội viên, đoàn viên và nhân dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới…

Với sự chung sức, đồng lòng, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đến cuối năm 2022, xã Bình Lương đã được công nhận xã nông thôn mới.

Được biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh Thanh Hoá đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn... của Trung ương, của Tỉnh ủy nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 

Xác định đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, với mục đích làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bên cạnh chính sách hỗ trợ thưởng các địa phương đạt chuẩn và hỗ trợ đầu tư một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng cho các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 đã được HĐND tỉnh ban hành tại Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021.

Nội dung hỗ trợ tập trung chủ yếu: Hỗ trợ phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia; thưởng các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao (nhà màng, nhà lưới), chuyển đổi cơ cấu cây, con có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thiết chế văn hóa để các xã, thôn, bản hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo động lực cho các địa phương hoàn thành các tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn, phát triển sản phẩm OCOP, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Hiện, toàn tỉnh Thanh Hoá đã huy động được trên 13.900 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng các sản phẩm OCOP. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện, 352/465 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 75 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 12 xã, 317 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh Thanh Hoá cũng đã đạt 63% chỉ tiêu huyện nông thôn mới, 86% chỉ tiêu xã nông thôn mới, 80% chỉ tiêu thôn/bản miền núi nông thôn mới; 45% chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao; 29% chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu, 91% chỉ tiêu thôn/bản nông thôn mới kiểu mẫu.

Thời gian tới, để thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị xã hội đang tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới toàn diện, nâng cao và bền vững với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”; hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Thục Anh và nhóm PV, BTV