Những dấu ấn nổi bật
Kết thúc năm 2022, Quảng Ninh đã về đích nhiệm vụ của cả giai đoạn 2021-2025 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 54/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 6/6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 2 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025...
Nông thôn mới không chỉ mang lại diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm trên địa bàn Quảng Ninh, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao đời sống người dân. Cùng với việc hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, năm vừa qua, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Ninh là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh.
Quảng Ninh vinh dự được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng khi là địa phương đầu tiên của miền Bắc có huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Đông Triều); huyện đảo (Cô Tô) đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước (xã Việt Dân).
Chương trình OCOP của Quảng Ninh cũng được xem là hình mẫu của cả nước, được Chính phủ khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh đã có 566 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao, 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Những thành tích nổi bật được ghi nhận bằng những phần thưởng xứng đáng. Quảng Ninh vinh dự được nhận: Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; Huân chương Lao động hạng Ba trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích triển khai chương trình OCOP tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Quyết liệt, sáng tạo, nhân rộng những miền quê đáng sống
Theo đánh giá, những kết quả ấn tượng của tỉnh Quảng Ninh cho thấy những cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện của tỉnh. Quảng Ninh đã ban hành được hệ thống cơ chế chính sách phong phú, đa dạng; thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, đa dạng hóa các nguồn lực - từ ngân sách đến các nguồn lực xã hội trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... Đặc biệt, tỉnh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của người dân tự vươn lên thoát nghèo, tự vượt qua chính mình với nhiều mô hình tiêu biểu…
Theo ông Trương Công Ngàn - Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, quá trình xây dựng nông thôn mới bền vững của tỉnh thể hiện lộ trình rõ ràng, đúng đắn.
Giai đoạn khởi đầu (2010-2015) tỉnh định hướng xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ thể chính xây dựng nông thôn mới là người dân, tập trung đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng yếu, tiến hành đồng bộ ở tất cả các xã, thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí.
Giai đoạn II (2016-2020) tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài, tiến tới xây dựng nông thôn tiên tiến, tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, đầu tư của doanh nghiệp là động lực.
Giai đoạn III (2021-2025) tỉnh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, hướng tới nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị, phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng bộ với triển khai chương trình giảm nghèo bền vững.
Được biết, trong năm 2023 - 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu: 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 3 huyện so với năm 2022, gồm Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022); Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm), phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia…
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược trong xây dựng nông thôn mới: Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đảm bảo kết nối chặt chẽ với thành thị và nông thôn, nội vùng, liên vùng, đồng bộ, hiện đại; Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở ...
Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; chất lượng các dịch vụ y tế, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại...
Bằng sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, với lộ trình bài bản, Quảng Ninh tiếp tục đổi mới bộ mặt nông thôn hiện đại, văn minh, nhân rộng thêm những miền quê đáng sống…
N.M